Gia tăng thừa cân, béo phì tuổi học đường
Theo Viện Dinh dưỡng, khảo sát trong năm 2023 tại 10 trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội cho thấy, tại 5 trường tiểu học tại các quận: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, có 45,5 - 55,7% học sinh tiểu học lớp 5 thừa cân, béo phì. Tại 5 trường tiểu học thuộc các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Phú Xuyên và Thạch Thất, tỷ lệ này từ 20,9 - 31,1%.
Trong 10 năm (2010 - 2020), trung bình cả nước, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em giảm từ 23,4% xuống 14,8% nhưng gia tăng tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì (từ 8,5% lên 19%).
Một nghiên cứu gần đây với 500 trẻ béo trong độ tuổi 6 - 10, cho thấy, 50% trẻ 6 và 10 tuổi có rối loạn mỡ máu. Tỷ lệ này chiếm 35 - 45% ở nhóm trẻ 7 - 9 tuổi.
Bệnh béo phì, rối loạn mỡ máu hầu chỉ gặp ở tuổi từ trung niên, trong những năm 80 - 90 thế kỷ trước, nhưng hiện đã khá phổ biến ở người trẻ, trong đó có các trẻ ở lứa tuổi học đường.
Đề xuất kiểm soát thực phẩm bán tại căn tin trường học
Đáng lưu ý, theo PGS-TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng), nguyên nhân gây thừa cân béo phì tuổi học đường do các học sinh có chế độ ăn không cân bằng, không đa dạng.
Nhiều trẻ không thích ăn cua, cá, tôm; không thích ăn rau. Trẻ ăn nhiều thức ăn nhanh, chế biến sẵn, thực phẩm có nhiều đường và thiếu hoạt động thể lực.
Một số khảo sát trong trường học cho thấy, tại căn tin trường, 23% thực phẩm được học sinh sử dụng là bánh kẹo; 41% là món mặn (xúc xích, mì tôm, bánh bao...). Trái cây chỉ chiếm 1%, nước giải khát (ngọt) là 28%.
Khảo sát năm 2018 với 48 nhân viên căn tin của 48 trường học tại một số thành phố lớn, 100% nhân viên đều cho rằng lựa chọn thực phẩm lành mạnh là quan trọng, nhưng 18,7% nhân viên chưa được tập huấn về dinh dưỡng; 20,8% - 33,3% không biết cách chế biến thức ăn lành mạnh là hấp và luộc.
Tỷ lệ nhân viên căn tin không biết thực phẩm ít đường, ít chất béo là thực phẩm lành mạnh chiếm 16,7% và 12,5%. Hơn 29% nhân viên căn tin không biết thực phẩm ít muối là lành mạnh.
"Cần có quy định về các thực phẩm bán tại căn tin trong trường học để giảm tiêu thụ các thực phẩm dễ gây dư năng lượng; nhà trường và các gia đình cần dành thời gian cho trẻ được vận động thể lực để tránh cho trẻ bị thừa cân, béo phì, ngăn ngừa mắc bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường trong tương lai", bà Nhung nêu ý kiến.
Các thực phẩm tại căn tin trường học hoặc khu vực gần trường được các học sinh sử dụng cho bữa phụ rất giàu năng lượng.
Chỉ một bánh mì xúc xích; mì tôm xúc xích hoặc một bánh giò, bánh bao cũng đã cung cấp khoảng 200 - 400 kcal. Để tiêu hao hết năng lượng này, cần phải chạy ít nhất 2 tiếng.
Trong khi đó, sau bữa phụ, khi về nhà, trẻ lại nạp thêm năng lượng trong bữa tối và hầu như không có vận động thể lực. Đó là thực tế khiến năng lượng "kết dư" lớn, gây thừa cân, béo phì cho các trẻ em ở tuổi học đường.
Viện Dinh dưỡng
Bình luận (0)