Tại TP.HCM những ngày qua cho cảm giác mát mẻ. Tuy nhiên theo chuyên gia dự báo thời tiết, đó là sương mù hỗn hợp do ô nhiễm không khí, bụi; còn chuyên gia y tế cảnh báo thời tiết rét lạnh ở phía bắc rất dễ gây đột quỵ.
tin liên quan
Cứu sống một bác sĩ chết lâm sàng 90 phútTrời lạnh, bệnh hô hấp gia tăng
PGS-TS Trần Văn Ngọc, Trưởng khoa Nội phổi Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết thời tiết lúc chuyển mùa thay đổi, rồi áp thấp nhiệt đới, làm các bệnh đường hô hấp sẽ gia tăng. Cụ thể, những ngày qua, ở BV này các ca bệnh hô hấp tăng 30% so với bình thường.
"Khi độ ẩm trong không khí tăng lên thì những người mắc bệnh phổi mãn tính (COPD) và bệnh hen suyễn dễ vào đợt cấp hơn", PGS-TS Ngọc khuyến cáo và cho biết khi áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh thì sương mù nhiều hơn bình thường và khiến độ ẩm không khí tăng lên, thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển. Người già và trẻ em dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp. Do vậy, lúc này cần hạn chế ra đường vào lúc sáng sớm khi mặt trời chưa mọc. Người lớn tuổi chỉ nên tập thể dục khi trời đã bớt mù sương để không ảnh hưởng đường hô hấp, nhất là những người có bệnh nền mạn tính như hen suyễn, tiểu đường, suy tim, COPD...
Còn theo TS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1 TP.HCM, hằng năm ở thời điểm này, thời tiết lạnh thì bệnh hô hấp tăng lên. Người lớn, trẻ em được khuyến cáo không đi sớm, về khuya. “Khi đưa trẻ đi chơi, du lịch trong những ngày này, cần trang bị đủ phương tiện giữ ấm”, TS-BS Trần Anh Tuấn nói.
Ngoài ra, nếu trẻ không có dấu hiệu bệnh nặng, không nguy hiểm thì chỉ điều trị triệu chứng, thông thoáng mũi mà chưa cần đến BV. Nếu sau vài ngày không giảm triệu chứng thì nên đến BV khám.
Những ngày qua, Trung tâm hô hấp, BV Bạch Mai, Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc hen, COPD tăng 20% so với trước; có những ca diễn biến nặng. TS-BS Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm hô Hấp, BV Bạch Mai, cho biết thời tiết thay đổi, nhiễm lạnh, mưa phùn gió bấc ẩm ướt... là yếu tố gây khởi phát cơn hen.
Đột quỵ do rét
PGS-TS Lê Văn Trường, Viện trưởng Viện Tim mạch, Chủ nhiệm khoa Can thiệp tim mạch BV T.Ư Quân đội 108, cho biết Khoa Cấp cứu của BV vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân nam, 57 tuổi, ở Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội, được người nhà đưa đến lúc 2 giờ sáng 30.12 do bị cơn đau ngực diễn biến nặng. Trước khi có biểu hiệu đau ngực, bệnh nhân đang đi bộ thể dục lúc 5 giờ ngày 29.12 trong gió lạnh 10 - 11 độ C thì bị mệt và đau ngực trái. Ông được xác định nhồi máu cơ tim do tắc cấp tính động mạch vành bên phải. Bác sĩ đã nong và đặt stent động mạch vành cho bệnh nhân kết thúc lúc 3 giờ 30 sáng qua, hiện sức khỏe đã ổn định.
PGS-TS Trường khuyến cáo, thời tiết thất thường lúc này dễ khiến người ta đổ bệnh, nhất là với bệnh tăng huyết áp; thời tiết rét đậm làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Theo TS-BS Đồng Văn Thành, Phó trưởng khoa Khám bệnh BV Bạch Mai, Hà Nội, thời tiết lạnh làm co mạch máu, hẹp lòng mạch khiến huyết áp tăng cao. Do đó, người bệnh tăng huyết áp cần uống thuốc đúng chỉ định và giữ ấm, tránh để lạnh đột ngột. Nếu tập thể dục, nên tập nhẹ nhàng trong nhà, chỉ ra ngoài khi thời tiết đã ấm hơn. Cần đặc biệt lưu ý chỉ số huyết áp vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn, khi nhiệt độ giảm thấp.
Bệnh nhân ung thư cũng dễ mắc các bệnh khác do lạnh
Bác sĩ Võ Quốc Hoàn, Khoa Ngoại tổng hợp, BV Ung bướu Hà Nội, cho biết thời tiết giá rét ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh ung thư (UT). Cần giữ ấm, đảm bảo đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng. Những ngày mùa đông, khiến bệnh nhân UT khó khăn để thích nghi do thể trạng của họ yếu, đó cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân UT có nguy cơ dễ mắc bệnh đường hô hấp: phế quản, ho… do nhiễm lạnh. Trời lạnh cũng có thể khiến các bệnh nhân UT bị đau hơn sau phẫu thuật.
L.Châu
|
Bình luận (0)