Đồ cổ giả giăng bẫy khắp miền Tây

Trong bộ dạng công nhân đào kênh, đào cống thoát nước với cùng một kịch bản 'vô tình đào được đồ cổ', kẻ gian đã dễ dàng lừa người dân bỏ ra hàng chục triệu đồng cho những món đồ cổ giả.

Vẽ vời để lừa đảo
Trong số nhiều người bị sập bẫy đồ cổ giả, có lẽ ông Tư Hợi (ngụ ở ấp Minh Cường, xã Minh Thuận, H.Vĩnh Thuận, Kiên Giang) là người bị kẻ lừa đảo vẽ vời khá bài bản. Ông kể, khoảng 2 tuần trước, có 2 người chạy xe ghé vào nhà ông xin nước uống, sau đó họ bày ra một cái túi có một chiếc bình, một con cóc ngậm đồng tiền. Họ bảo với ông Hợi là vừa múc được từ kinh trong rừng U Minh Thượng, rồi lấy điện thoại ra gọi mở loa ngoài cho ai đó để “xác minh thật giả”. Lập tức giọng ở đầu dây bên kia nói “nếu là bình cổ thì phải có 8 vị tiên trên bình”. Lúc này, 2 người xin nước uống liền mượn ông Tư Hợi cái khăn khẩn trương chùi bùn đất. “Họ mừng rỡ reo lên khi tìm thấy đúng 8 ông tiên. Sau đó họ nói lời lẽ đầy huyền bí về tượng đồ cổ, việc thờ cúng đồ cổ gia đình sẽ gặp nhiều may mắn và thuận lợi... Mọi người trong gia đình tôi mới tưởng thật, và mắc lừa mua với giá 10 triệu đồng”, ông Tư Hợi nói.
Bà Tám Kiểng (ngụ ấp Cái Nứa, xã Bình Minh, H.Vĩnh Thuận, Kiên Giang) vẫn chưa nguôi ấm ức khi nhắc lại sự việc dính “bẫy” đồ cổ giả. Bà Kiểng kể: “Cách đây khoảng một tháng, một thanh niên hơn 30 tuổi, dáng vẻ hiền lành, cầm một túi đồ ghé nhà tôi. Cậu ta nói đang làm thuê cho chủ xáng múc kinh cách đó không xa thì múc phải một chiếc hũ. Khi mở ra xem thì phát hiện tượng ông Phật và một con cóc bằng đồng ngậm tiền còn dính đầy bùn đất. Cậu ấy nói cần tiền nên lén ông chủ đem bán. Thấy cậu ta thật thà và túi đồ dính đầy bùn đất, đồ vật cũ kỹ nên tôi mới mua với giá 10 triệu đồng, ai dè bị mắc lừa”.
Ông T. (ngụ ấp Thắng Lợi, xã Vĩnh Thắng, H.Gò Quao, Kiên Giang, đề nghị không nêu tên) cũng dính “quả lừa” từ 2 thanh niên xưng là công nhân xáng cạp. Ông mua phải 1 bình hồ lô và 2 con cóc ngậm đồng tiền với giá 15 triệu đồng. Cho đến khi vỡ lẽ, ông T. mới biết toàn bộ các món đồ cổ giả nói trên trị giá không quá 1 triệu đồng.
Theo anh H. (đề nghị không nêu tên), chủ một điểm bán đồ giả cổ trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), nhiều kẻ lừa đảo còn “ăn chia” với các chủ xáng cạp vùng nông thôn, đem bỏ món đồ giả cổ vào cái khạp rồi chôn trong đống đất xáng cạp mới múc. “Khi người điều khiển chiếc xáng cố tình cho phát lộ món đồ cổ giả, họ liền tung tin khắp vùng rồi đem rao bán rất dễ dàng”, anh H. nói.
Đồ cổ giả giăng bẫy khắp miền Tây 2
Bình bát tiên, tượng Phật giả cổ lừa bán với giá 15 triệu đồng Ảnh: Xuân Lam
Mang nợ vì đồ cổ giả
Bị lừa mua phải đồ cổ giả, không ít gia đình ở miền Tây đã mang cảnh nợ nần. Nhiều gia đình còn phát sinh mâu thuẫn với người thân, xóm giềng khi người bị lừa đã tiếp tục “dụ” bán lại những món hàng “hớ” cho người quen để thu hồi vốn.
Ông Lý Văn Nhung (ngụ ấp Giá Tiêu, xã Hưng Lợi, H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), người bị lừa mua phải một bình rượu, một con gà giả cổ giá 15 triệu đồng, cho biết khi bị lừa ông cũng chỉ còn biết cắn răng cam chịu chứ không trình báo chính quyền địa phương. “Lúc mua, mình cũng không biết người đó ở đâu, tên gì nên giờ có tố giác cũng chẳng giải quyết được gì”, ông Nhung buồn bã cho biết thêm số tiền 15 triệu đồng mua đồ cổ giả là tiền ông đi vay nóng.
Chuyện lừa bán đồ cổ giả không chỉ diễn ra ở miền quê mà ngay tại TP.Cần Thơ cũng có người bị sập bẫy. Chỉ khác một điều là những kẻ lừa đảo ở thành thị thường vào vai công nhân cấp thoát nước, công nhân lắp đặt cáp quang thay vì công nhân xáng cạp như ở nông thôn. Ông P.V.C (ngụ P.An Bình, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, đề nghị không nêu tên) nói: “Tôi thấy họ mặc đồ công nhân cấp thoát nước, quần áo lấm lem bùn đất nên mới tin mua một bình hồ lô bát tiên, 2 con cóc ngậm đồng tiền và 1 tượng Phật Di Lặc với giá 15 triệu đồng. Bây giờ chỉ mong mọi người cảnh giác”.
Anh Nguyễn Trung Phong, quản lý chợ ve chai miền Tây, một người sưu tầm và buôn bán đồ cổ ở TP.Cần Thơ, cho biết bản thân anh cũng được nhiều người chào bán đồ cổ giả là những hồ lô bát tiên, tượng Phật, cóc ngậm tiền... tuy nhiên, chỉ cần nhìn qua ảnh thì đã biết ngay là đồ giả. Theo anh Phong, các món đồ cổ như nói trên hiện rất hiếm, không thể cùng một lúc phát lộ khắp nơi như vậy. Để phân biệt đồ cổ giả và thật bằng mắt thường, trước hết người mua nên xem màu sắc. Nếu đồ cổ bằng đồng thật, theo thời gian sẽ ra teng (bị ô xy hóa) màu đỏ, teng đều và đẹp. Ngược lại, đồ cổ giả ngâm hóa chất hoặc ngâm nước sẽ ra teng màu xanh, không đều. Tiếp đến là các hình khắc, họa tiết trên đồ cổ thật rất đều, đẹp, sắc nét, cân đối, còn đồ giả sẽ không thể sắc sảo bằng.
Đại tá Nguyễn Quốc Sử, Trưởng công an TP.Rạch Giá (Kiên Giang), cho biết người dân cần hết sức cảnh giác trước tình trạng nhiều đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hiếu kỳ và lòng tham của người dân để lừa bán những đồ cổ giả. Khi gặp những đối tượng trên, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất hoặc chính quyền địa phương để can thiệp kịp thời, tránh bị lừa. Những trường hợp đã lỡ bị lừa mua nhầm đồ cổ giả cũng cần trình báo.
Luật sư Trần Thanh Phong, Đoàn luật sư TP.Cần Thơ, cho biết những hành vi lừa bán đồ cổ giả như trên, kể cả khi nạn nhân bị lừa, xong tiếp tục lừa bán cho người khác đủ cấu thành hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đình Tuyển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.