Dở dang đê chống lũ

Khánh Hoan
Khánh Hoan
04/10/2024 08:51 GMT+7

Sau 12 năm thực hiện, dự án đê sông Lam qua 3 xã Thanh Lương, Thanh Yên, Thanh Khai (H.Thanh Chương, Nghệ An) vẫn dở dang khiến hàng ngàn hộ dân luôn thấp thỏm chạy lũ khi mùa mưa lũ đến.

DỰ ÁN CHỐNG LŨ BỎ DỞ

Dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đê qua các xã Thanh Lương, Thanh Khai, Thanh Yên dài khoảng 6 km, thuộc dự án quản lý thiên tai do Sở NN-PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 68 tỉ đồng, gồm 3 gói thầu. Đây là con đê có chức năng ngăn nước lũ từ sông Lam tràn vào khu dân cư 3 xã nói trên. Theo thiết kế, chân đê rộng 30 m, mặt đê 5 m (cao hơn mặt đê cũ từ 2 - 2,85 m), đủ sức ngăn lũ trên báo động 3.

Dở dang đê chống lũ- Ảnh 1.

Đoạn đê qua xã Thanh Yên đang bỏ dở

ẢNH: K.HOAN

Năm 2012, dự án được triển khai thi công. Thế nhưng dự án mới hoàn thành được gần 3 km qua xã Thanh Khai và một phần ở xã Thanh Lương, đến năm 2016 thì dừng lại vì hết vốn. Phần còn lại đi qua xã Thanh Yên, Thanh Lương dài hơn 3,2 km đang thi công dang dở thì "đắp chiếu" từ nhiều năm qua. Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết kinh phí thi công hơn 3,2 km này hơn 36,9 tỉ đồng. Tuy nhiên nguồn vốn chỉ mới bố trí được hơn 20,4 tỉ đồng, số vốn còn lại từ năm 2017 đến nay vẫn chưa bố trí được.

Dẫn PV ra đoạn đê chưa nâng cấp, ông Bùi Hữu Chương, Chủ tịch UBND xã Thanh Yên, cho hay nếu con đê này hoàn thiện như thiết kế thì nước sông Lam sẽ không thể tràn vào khu dân cư khi có lũ. Nhưng dự án dang dở, còn mấy trăm mét mặt đê quá thấp nên khi có lũ, nước từ sông Lam dâng lên tràn vào khiến hàng ngàn hộ dân của 3 xã rất khổ sở. Đoạn đê cũ này được đắp từ hàng chục năm trước, quá thấp so với mức lũ dâng trên sông Lam. "Dự án bỏ dở quá lâu, xã cũng muốn tự đắp đê để ngăn nước, được chừng nào hay chừng đó nhưng không có kinh phí nên đành chịu. Khi có mưa lũ, xã phải huy động lực lượng túc trực ở đoạn đê này, dùng bao cát để ngăn nước. Khi lũ trên sông lên báo động 2 là nước tràn đê. Nếu lũ nhỏ thì còn ngăn được nhưng lũ lớn lên báo động 3 thì chịu, vì ngăn không xuể", ông Chương nói.

Sống ở vùng giáp núi, nhưng cứ mỗi mùa mưa lũ về, người dân ở đây phải chuẩn bị thuyền để chủ động chạy lũ vì nước dâng. "Năm nào tiếp xúc cử tri, dân cũng kêu ca, xã cũng nhiều lần kiến nghị cấp trên sớm hoàn thành dự án để ngăn lũ, nhưng vẫn chưa có kết quả", ông Chương cho hay.

Dở dang đê chống lũ- Ảnh 2.

Nhà dân xuống cấp nhưng vẫn bị treo, chưa biết khi nào di dời

ẢNH: K.HOAN

KHỔ VÌ "TREO" !

Để thực hiện đoạn đê qua xóm Hồng Bình (xã Thanh Yên), có 17 hộ dân phải di dời vì nằm phía ngoài đê và nơi thân đê đi qua. Bà Bùi Thị Hoa, một người dân phải di dời nhà vì dự án đê chạy qua nhà, cho biết dự án thực hiện từ năm 2012, xã đã thông báo không được xây dựng, sửa chữa, cơi nới nhà cửa nên gia đình bà và các hộ dân ở đây phải chấp hành vì nghĩ sẽ sớm di dời. Đã 12 năm trôi qua, nhà cửa xuống cấp, hư hỏng nhưng vẫn chưa biết ngày di chuyển nhà, khiến người dân rất bức xúc. Tương tự, gia đình bà Phan Thị Quý nhận đất làm nhà ở phía ngoài đê từ năm 1984, cũng nằm trong diện phải di dời. "Thấy xã thông báo từ năm 2012, chúng tôi sẵn sàng di dời vì ở đây lũ lên gây ngập nhà ngập cửa, nhưng đến nay vẫn chưa thấy di dời", bà Quý nói.

Ông Bùi Hữu Chương cho biết do bị treo quá lâu, nhiều gia đình nhà cửa xuống cấp, muốn sửa chữa nhưng không dám. Cách đây vài năm, người dân phải làm đơn gửi lên huyện đề nghị cho sửa chữa, cơi nới nhà cửa. Sau đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An có văn bản hướng dẫn UBND H.Thanh Chương cho người dân được sửa chữa nhà ở nhưng không được mở rộng diện tích mặt bằng. Mặc dù các hộ dân này sẽ phải di dời, nhưng theo ghi nhận của PV Thanh Niên, một số gia đình đã xây lại nhà cửa, đổ mái bằng rất kiên cố. "Chờ mãi không thấy di dời thì buộc chúng tôi phải làm nhà để ở, chứ nhà cũ xuống cấp không thể ở được nữa", một người dân nói.

Theo thiết kế, tuyến đê này được nâng cao để ngăn lũ và mặt đê được đổ bê tông sẽ tạo con đường giao thông cho người dân đi lại. Nhưng dự án bỏ dở khiến người dân địa phương rất khổ sở vì đi lại khó khăn, chính quyền xã cũng "kêu trời" vì hơn 3,2 km đê này đang là đường đất nên xã không đủ tiêu chí để về đích nông thôn mới.

Mới đây, trả lời ý kiến người dân về dự án này, Bộ NN-PTNT cho biết do nguồn vốn hạn chế nên đến nay dự án vẫn dang dở. Bộ đề nghị tỉnh Nghệ An rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, thực hiện tốt các nguồn vốn đã được T.Ư bố trí, kết hợp huy động nguồn lực của địa phương để tiếp tục đầu tư tu bổ, nâng cấp tuyến đê này.

Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, cho biết để hoàn thành dự án này cần có khoảng 150 tỉ đồng. Tỉnh không thể bố trí được nên đang phải chờ T.Ư hỗ trợ và cũng chưa thể khẳng định được bao giờ sẽ có nguồn vốn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.