Đô la Mỹ mạnh lên có thể đẩy giá dầu về mức 20 USD/thùng và bất cứ động thái phá giá nhân dân tệ nào của Trung Quốc cũng có thể gia tăng áp lực lên giá cả.
Ảnh: Shutterstock |
Theo CNN, quan điểm trên là của giới phân tích thuộc ngân hàng Morgan Stanley. Trong báo cáo công bố hôm 11.1, ngân hàng này cho hay cứ với mỗi 5% giá trị USD đi lên so với giỏ tiền tệ, giá dầu sẽ giảm từ 10% đến 25%. Điều này đồng nghĩa với việc dầu thô có thể lao dốc đến 8 USD mỗi thùng.
Dầu thô kỳ hạn đã được giao dịch ở 32,5 USD/thùng, cận mức đáy 12 năm. Giá dầu giảm 1,8% hôm 11.1 và chỉ trong hơn một tuần từ đầu năm đến nay, nó đã giảm 13%. Tính từ mức cao nhất lập ra cách đây 18 tháng, giá dầu thô đã mất 65%.
Các nhà phân tích cho rằng giá dầu lao dốc vì thị trường có nhu cầu thấp trong khi sản lượng lại cao. Tuy nhiên, báo cáo của ngân hàng Morgan Stanley cho hay USD tăng giá cũng là một phần lý do. Dư cung toàn cầu có khả năng đẩy dầu xuống dưới 60 USD/thùng, song các thay đổi trong giá cả gần đây xảy ra vì biến động tỷ giá mạnh.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo thị trường dầu mỏ có thể vẫn dư cung trong suốt năm 2016. USD tiếp tục đi lên sẽ còn làm giá tuột sâu. “Với việc USD tiếp tục tăng giá, viễn cảnh dầu thô với 20 USD đến 25 USD mỗi thùng có thể đơn giản chỉ là vì tiền tệ”, các nhà phân tích viết.
Khi đồng bạc xanh tăng giá, dầu mỏ trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua thanh toán bằng các đồng tiền khác. Điều này có thể gây sức ép lên cả nhu cầu và giá cả.
Ngoài USD, bất kỳ động thái phá giá nhân dân tệ nào từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đều có thể gia tăng áp lực lên giá cả dầu thô, vì Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. PBOC đã và đang hướng nội tệ có giá trị thấp hơn so với USD để hỗ trợ các nhà xuất khẩu, vực dậy nền kinh tế nước nhà.
Bình luận