Giá dầu chạm đáy 12 năm giữa dịp năm mới và lễ Giáng sinh Chính Thống giáo Đông phương của Nga. Nhiều người dân nước này trở lại từ kỳ nghỉ của họ chỉ để nhận ra rằng cuộc sống sắp bắt đầu khó khăn hơn.
Ảnh: AFP |
Bất ổn trong thị trường chứng khoán và giá trị nhân dân tệ của Trung Quốc ảnh hưởng đến thị trường thế giới trong 10 ngày nghỉ lễ hội ở Nga, đẩy giá dầu thô Brent xuống còn khoảng 32 USD/thùng từ mức 45 USD/thùng vào đầu tháng 12.2015. Mức giá mới không còn cách xa nhiều với dự báo 20 USD/thùng của ngân hàng Goldman Sachs.
Giá dầu lao dốc từ mức 100 USD/thùng kể từ giữa năm 2014 đã đẩy Nga, quốc gia có 1/2 nguồn thu ngân sách và 40% xuất khẩu phụ thuộc vào năng lượng, gặp nhiều khó khăn. Đợt lao dốc mới nhất của giá dầu gia tăng các vấn đề mà Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đối mặt trước cuộc bầu cử năm 2018.
Do lượng giao dịch mỏng trong kỳ nghỉ, đồng rúp Nga (RUB) chỉ giảm 2% trong tuần trước, nhưng mức 75 RUB ngang giá 1 USD giờ đây cũng không quá xa so với mức thấp kỷ lục 80,1 RUB ngang giá 1 USD được lập ra cách đây 13 tháng. Khi đó, Nga đã bảo vệ nội tệ bằng cách tăng lãi suất thêm 500 điểm cơ bản trong đêm.
Nếu RUB tiếp tục lao dốc trong những tuần tới, động thái như trên có thể sẽ lặp lại. Nếu điều này xảy ra, lạm phát sẽ gia tăng và đất nước sẽ lún sâu thêm vào tình hình suy thoái mà chính phủ vừa dự báo kết thúc trong năm nay.
Chuyên gia Christopher Granville tại hãng tư vấn đầu tư Trusted Sources cho hay đối với Tổng thống Nga Putin, hơn 100 tỉ USD mà Nga có trong hai quỹ dành cho những trường hợp khẩn cấp là “các chính sách bảo hiểm cuối cùng để điều hướng cuộc bầu cử”.
Ông Granville ghi nhận thâm hụt ngân sách dự kiến trong năm nay vào khoảng 3% so với sản lượng kinh tế hằng năm, nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng. Nếu giá dầu ở mức 30 USD/thùng, thâm hụt ngân sách có thể leo đến con số 5% hoặc hơn.
Khi trường hợp này xảy ra, ông Putin có thể sẽ phải mạo hiểm với lá phiếu bầu của cử tri bằng cách tăng thuế và cắt giảm chi tiêu, khiến nền kinh tế trượt sâu vào suy thoái. Nếu không làm như trên, ông có thể phải lấy nhiều hơn từ các quỹ đang nhanh chóng sụt giảm.
Vay tiền trên thị trường trái phiếu quốc tế hoặc tư nhân cũng là một cách, song không hẳn là phương án hấp dẫn trong bối cảnh giá cổ phiếu thấp và chi phí cho vay cao. Nhà đầu tư ít bị hấp dẫn bởi nước Nga vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Hai quỹ đầu tư quốc gia Nga đang cạn dần. Hồi đầu tháng 12.2015, hai quỹ này còn 130 tỉ USD, giảm từ mức khoảng 180 tỉ USD vào giữa năm 2014. Chính phủ cũng cần hàng nghìn tỉ RUB, con số chiếm khoảng 1,2% GDP đất nước, để giải cứu ngân hàng nhà nước Vnesheconombank (VEB).
“Các quỹ trên hiện có giá trị khoảng 6,5% GDP và có cơ sở để nói rằng họ sẽ cạn tiền mặt vào giữa năm tới, trừ khi giá dầu đi lên. Nhưng để bù vào các quỹ này cho đến khi cuộc bầu cử diễn ra cũng đồng nghĩa với việc thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu ngay bây giờ. Thời gian ngắn cần có những biện pháp liều lĩnh”, ông Granville nói.
Nhiều người Nga trở lại từ kỳ nghỉ của họ chỉ để nhận ra rằng cuộc sống sắp bắt đầu khó khăn hơn, theo Reuters. Lương bổng cho công chức sẽ tiếp tục ảm đạm trong năm thứ ba, lương hưu sẽ tăng ít hơn lạm phát, hàng hóa và kỳ nghỉ ở nước ngoài sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Khó khăn trong mức sống người dân Nga gặp phải hiện tại tương tự như thời khủng hoảng tài chính trước đây vào năm 1998, khi chính phủ nước này vỡ nợ và RUB mất ba phần tư giá trị.
“Đây như là cuộc khủng hoảng năm 1998 trở lại. Tiền lương bằng đồng đô la Mỹ của tôi đã giảm một nửa. Bây giờ tôi kiếm được ít tiền hơn so với hồi năm 1997”, Yelena, một nhà báo ở Moscow cho hay.
Lãi suất kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm và chính phủ dự báo tăng trưởng kinh tế 0,7% trong năm nay và 1,9% trong năm sau. Chuyên gia David Hauner ở ngân hàng Merrill Lynch thuộc Bank of America, người đã và đang lạc quan về trái phiếu Nga cho hay các kịch bản trên khó thành hiện thực nếu giá dầu không phục hồi.
Song thị trường dầu mỏ đang đối mặt với khả năng giảm giá lớn thêm, một phần do lo ngại nền kinh tế Trung Quốc đang trong trạng thái tệ hơn được dự báo. Chuyên gia Manik Narain thuộc ngân hàng UBS là một trong nhiều nhà phân tích xem xét lại dự báo về kinh tế Nga. Ông cho rằng đồng rúp trung bình ở mức 75 RUB ngang giá 1 USD trong năm nay. Narain cho hay giá dầu càng xuống thấp, càng khó dự báo kết quả cho RUB và nền kinh tế Nga.
Bình luận