Nhạc sĩ Kiên Ninh đã viết đoạn nhạc xúc động nhất trong MV Thiên hùng ca bất tử rất nhanh. Đó là những câu nhạc với lời thơ trong bài thơ nổi tiếng Lời người bên sông của nhà thơ Lê Bá Dương, một người lính từng chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị. Đó là những câu "Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm".
Nhạc sĩ Kiên Ninh nhớ lại: "Khi tôi đến Quảng Trị thì thấy người chèo đò đọc thơ rất hay, họ cũng kể lại chuyện người sinh viên gác bút nghiên lên đường. Rồi tôi đọc lại bài thơ sau, chỉ một chút thôi đã có được giai điệu chính và những câu nhạc đó".
MV Thiên hùng ca bất tử sau đó cũng được quay tại Quảng Trị, với giọng ca của NSND Quốc Hưng, Phó giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Nhạc sĩ Kiên Ninh đã làm việc với NSND Quốc Hưng 20 năm qua nên rất hiểu quãng giọng và sức mạnh của giọng ca được coi là giọng bass số 1 tại Việt Nam hiện nay. Vì thế, Kiên Ninh mau chóng mời NSND Quốc Hưng tham gia dự án.
NSND Quốc Hưng cho biết, cha ông cũng từng chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Vì thế, Thiên hùng ca bất tử mang tới cho ông cảm xúc đặc biệt. "Khi Kiên Ninh nói là cháu muốn viết về mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị, tôi nói tôi có thể góp ý. Khi Kiên Ninh viết xong thì nó rất chặt chẽ. Ca khúc cũng gợi đến ký ức của tôi về người cha thân yêu. Bố tôi là một chiến sĩ từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có tới hơn mười năm chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị", NSND Quốc Hưng nói.
NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cũng rất xúc động sau khi xem MV Thiên hùng ca bất tử. MV làm ông nhớ lại những ngày sống ở phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội hồi năm 1972. "Chúng ta chuyển quân vào trong kia. Các anh đi Bắc Giang huấn luyện rồi vào trong đó. Các anh lấy giấy viết rồi ném xuống, trong đó ghi bố mẹ ơi con đi Nam ngày này, nhà tôi ở đây, ngoài này ai nhặt được thì gửi giúp gia đình tôi. Tôi lúc đó 8 - 9 tuổi, giờ nhìn thấy MV xúc động", NSND Phạm Ngọc Khôi nói.
Cũng theo NSND Phạm Ngọc Khôi, sáng tác về thành cổ Quảng Trị cho thấy tính tư tưởng trong một bài hát rất cần, nó cũng khẳng định giá trị nền âm nhạc cách mạng. Theo ông, ca khúc này sẽ có giá trị lâu bền. "Âm nhạc cách mạng bao giờ cũng có chỗ đứng trong nền nghệ thuật nước nhà, có đóng góp nhất định trong chặng đường mới sau này của âm nhạc Việt Nam", ông Khôi nói.
NSƯT Tân Nhàn, Trưởng Khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cũng đánh giá Thiên hùng ca bất tử vừa có tính học thuật, vừa có chất trữ tình.
"Với chính ca thì mọi người thường cho rằng phải nghe nhiều lần thì mới thấm nhưng với ca khúc này, tôi thấy hay ngay từ lần đầu tiên được nghe. Lời ca và giai điệu đều rất xúc động, nối dài sức sống cho dòng nhạc chính thống, để giới trẻ hiểu hơn về sự hy sinh của thế hệ trước, thêm tự hào về truyền thống dân tộc," NSƯT Tân Nhàn chia sẻ.
Bình luận (0)