Đô thị thông minh có giám sát CSGT?: Làm việc công minh, sợ gì giám sát!

03/05/2019 06:39 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định bắt buộc CSGT phải làm việc trong khung hình camera giám sát, nhằm đảm bảo tính minh bạch và răn đe của pháp luật.

Sáng 2.5, sau khi đọc bài viết Đô thị thông minh có giám sát CSGT? trên Thanh Niên, bà Minh Hương (48 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) nêu nghi vấn: “Camera đeo trên người CSGT không ghi lại được tác phong làm việc của CSGT, cũng như không thấy được các tiêu cực, hay việc CSGT “làm khó” người vi phạm, phạt không biên bản. Tôi cũng thắc mắc, làm sao để biết camera CSGT đeo khi làm nhiệm vụ là đang mở hay tắt, ai là người giám sát các camera này?".
Tương tự, anh Nguyễn Hoài Thiệu (29 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) nói: "Chuyện camera có hoạt động hay không thì chắc chỉ có... CSGT mới biết”.
Không chỉ chị Hương hay anh Thiệu, rất nhiều bạn đọc nêu ý kiến cần quy định cụ thể CSGT khi tuần tra, xử lý vi phạm phải có camera giám sát. Camera có thể gắn ở đầu mô tô, ô tô tuần tra và việc xử lý vi phạm phải trong phạm vi camera ghi hình. Trường hợp chưa trang bị được camera cho phương tiện, khi CSGT làm việc cần đứng ở những nơi có camera an ninh giám sát để đảm bảo tính minh bạch.
“Anh làm việc công minh thì sợ gì ai giám sát, trừ khi có gì đó khuất tất?”, ông Nguyễn Đức (50 tuổi, ở Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận) nêu ý kiến.

Camera chủ yếu để đối phó người vi phạm

Anh làm việc công minh thì sợ gì ai giám sát, trừ khi có gì đó khuất tất?
Ông Nguyễn Đức, Q.3, TP.HCM
Liên quan đến vấn đề này, trả lời PV Thanh Niên, một cán bộ lãnh đạo cấp đội thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM (PC08) cho biết camera trang bị cho CSGT đã xuống cấp, pin “chai” nên chất lượng phim quay cũng như thời gian quay rất hạn chế.
Thông tư 02 của Bộ Công an cũng không nói rõ là mỗi tổ CSGT phải ghi hình liên tục trong 4 giờ đồng hồ (1 ca CSGT tuần tra). Thế nên, camera chỉ được dùng mỗi khi có trường hợp cụ thể như thực hiện các chuyên đề, hoặc gặp tình huống người vi phạm cự cãi thì ghi hình để làm bằng chứng xử lý. Hình ảnh từ camera được sử dụng khi có vụ việc cụ thể, nếu không sẽ được xóa để trống máy cho tổ tuần tra tiếp theo sử dụng.
Về đề xuất gắn camera trước đầu ô tô, mô tô tuần tra, khi CSGT và người vi phạm làm việc phải đứng trong phạm vi camera ghi hình để đảm bảo tính minh bạch, vị cán bộ này nói: “Hiện nay chưa có quy định nào bắt buộc CSGT phải đứng trong khung hình của camera để làm việc với người vi phạm. Nếu có chỉ đạo, hướng dẫn từ Bộ Công an, Công an TP.HCM và PC08 thì chúng tôi sẽ thực hiện”.
Một lãnh đạo PC08 cũng xác nhận hiện nay chưa có quy định về việc CSGT khi làm nhiệm vụ nếu có camera mang theo thì gắn ở vị trí nào. “Camera phát cho các đội CSGT hiện còn hạn chế, sắp tới chúng tôi cũng đề xuất cấp thêm camera nhưng còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí...”, vị này nhìn nhận.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Minh Đồng, vị trí camera được đặt trên ngực, mũ bảo hiểm của CSGT chỉ mang tính chất đối phó với người vi phạm và “cách làm như vậy là chưa minh bạch”.

Quy định để buộc phải minh bạch

Không để CSGT phạt trực tiếp ngoài đường

Lãnh đạo đội CSGT của một quận tại TP.HCM cho rằng, nguyện vọng gắn camera giám sát CSGT của người dân là rất thực tế.
"Tuy nhiên, không phải cứ gắn camera là quản lý được việc làm của CSGT. Theo tôi, muốn hạn chế tiêu cực phải có những chủ trương, chính sách khác. Như ở một số nước, CSGT không xử phạt trực tiếp ngoài đường mà phát hiện vi phạm qua camera sẽ gửi biên bản về tận nhà, người dân không đến trụ sở công an đóng phạt thì sẽ bị chuyển qua tòa án để cưỡng chế đóng phạt. Còn camera, người sử dụng có thể tắt, mở bất kỳ lúc nào. Quan trọng nhất hiện nay vẫn là ý thức của người thi hành công vụ và ý thức của người dân”, vị lãnh đạo này nói.
Cũng theo vị này, hiện các đội CSGT quận, huyện cũng được trang bị camera nhưng chất lượng hình ảnh các camera này còn hạn chế, không quay xa được nên cũng chưa thể bao quát hết được hình ảnh.
Chuyên gia về cải cách hành chính Diệp Văn Sơn ủng hộ việc gắn camera ở đầu mô tô hay ô tô tuần tra của CSGT và khi kiểm tra, xử lý vi phạm phải diễn ra trong khung hình camera. Cách làm này giúp giám sát cả người vi phạm lẫn người xử lý vi phạm.
“Tôi ủng hộ việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào quá trình giám sát, thực thi công vụ. Thời gian qua nếu không có camera thì không thể nào phát hiện được các hành động học sinh đánh nhau trong trường, dâm ô trong thang máy... Nếu camera không quay được thì các đối tượng tình nghi sẽ chối biến ngay. Việc gắn camera cũng giống như việc công an áp dụng máy bắn tốc độ vậy, với những hình ảnh, tốc độ xe chạy rõ ràng khiến người vi phạm không thể chối cãi thay vì trước đây hai bên cự cãi. Nếu gắn camera ở đầu xe CSGT và xử lý vi phạm ở trong khung hình thì khi có chuyện xảy ra sẽ giúp cơ quan chức năng giám sát vụ việc đó. Tất nhiên những hình ảnh dữ liệu cần được lưu trữ và không bị bên ngoài tác động, can thiệp”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng ủng hộ việc người dân góp phần giám sát hoạt động công vụ của CSGT. Theo ông, trước đây muốn quay CSGT làm việc hay xử lý vi phạm người quay phải xin phép nhưng sau đó Bộ Tư pháp có ý kiến thì quy định này mới được bỏ. Tuy nhiên, theo ông Sơn, các hình ảnh, clip quay phải trung thực, phản ánh đúng thực tế diễn ra chứ không được cắt cúp, chỉnh sửa để phục vụ mục đích nào đó của người quay clip.
Luật sư Thái Văn Chung, Hãng luật Nguyên Giáp, cho rằng để minh bạch trong công tác tuần tra kiểm soát của CSGT thì phải có quy định camera của tổ CSGT bật liên tục trong ca trực và truyền dữ liệu về trung tâm, có người giám sát. Vị trí gắn camera cũng rất quan trọng, gắn vị trí giám sát được hành vi cả CSGT và người vi phạm.
“Mục đích trang bị camera cho CSGT khi đi tuần tra để giám sát người thực thi công vụ và người vi phạm là rất tốt. Phải có quy định về thời gian sử dụng camera, vị trí đặt camera, quản lý hình ảnh sau mỗi ca tuần tra... Có như vậy mới đảm bảo được sự minh bạch của CSGT khi đi làm nhiệm vụ”, luật sư Chung nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.