Các tác phẩm của 5 nghệ sĩ: Võ Trân Châu, Nguyễn Huy An, Phan Thảo Nguyên, Nguyễn Trinh Thi và Trương Công Tùng được trưng bày tại triển lãm đều là những cách ‘đo’, ‘tìm’, ‘tạo lập’, ‘thu thập’ thời gian/lịch sử và ký ức khác nhau của các nghệ sĩ, dù vô tình hay có chủ ý.
Tác phẩm sắp đặt Tơ giáp hạt của Phan Thảo Nguyên tạo dựng một cách kể mới, một cái nhìn đa chiều về những bi kịch con người. Còn loạt tranh tranh thêu và cắt ghép mosaic của nghệ sĩ thị giác Võ Trân Châu nhằm thông qua quá trình dệt lại ký ức, nỗ lực nhằm tiếp cận các phần lịch sử còn mơ hồ.
Nguyễn Huy An đem đến tác phẩm Bài tập số 2 như một vế của phương trình toán học - thể hiện mối tương quan giữa bóng của một tượng đài và mặt trời vào các thời điểm khác nhau trong ngày để người xem chiêm nghiệm sự tương tác giữa tự nhiên và phi tự nhiên, và bằng cách đó, trao họ cơ hội suy ngẫm về con người, xã hội và thiên nhiên. Trong khi đó Trương Công Tùng lại sử dụng thời gian, ánh sáng, bóng tối làm chất liệu trong loạt tranh Khi thời gian trôi qua những cái bóng (1 2 3 4 …). Loạt tác phẩm này đã thực sự gây ấn tượng mạnh về thị giác cho người xem.
Với tác phẩm Mười một người đàn ông, nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi lại sử dụng các phim ít nhiều theo thứ tự thời gian, và vì vậy, một cách tự nhiên, tác phẩm của cô đã mở cho người xem cơ hội chiêm nghiệm và kết nối với các thời kỳ và mốc thời gian khác nhau của lịch sử Việt Nam. Là một nghệ sĩ làm phim và video art độc lập tại Hà Nội, các tác phẩm của Nguyễn Trinh Thi thường pha trộn các yếu tố của điện ảnh, tài liệu và trình diễn, thực hành nghệ thuật đa dạng của Thi thường là những quan tâm khám phá ký ức và lịch sử.
|
|
|
Đến với triển lãm Đây là ngày… thời gian lặp lại?, khán giả thủ đô hẳn có dịp lắng đọng để chiêm nghiệm mọi cảm xúc cùng... thời gian, thêm hiểu và trân quý những thời khắc mà chúng ta đã và đang sống.
Bình luận (0)