Đóa sen, con ốc 'đoàn tụ' với tượng Bồ tát Tara sau gần 45 năm

07/09/2023 07:31 GMT+7

Sau gần 45 năm "lạc" nhau, hiện vật con ốc và đóa sen sẽ được chuyển giao về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng để "đoàn tụ" cùng bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương chuyển giao 2 hiện vật con ốc và đóa sen của bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Laskmindra Lokesvara (còn gọi là Bồ tát Tara) về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Trước đó, vào đầu tháng 8.2023, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc hợp nguyên hiện vật của bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara từ Bảo tàng Quảng Nam về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng theo ý kiến của Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL).

Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, tượng Bồ tát Tara được phát hiện năm 1978 bởi người dân thôn Đồng Dương, xã Bình Định (nay là xã Bình Định Bắc, H.Thăng Bình, Quảng Nam), trong quá trình đào đất làm gạch gần khu đền thờ chính khu Phật viện Đồng Dương. Tượng Bồ tát Tara được đánh giá không chỉ là tượng đồng lớn nhất của nghệ thuật Champa mà còn là một trong những tượng đồng quan trọng bậc nhất vùng Đông Nam Á, với niên đại được xác định vào khoảng giữa thế kỷ thứ 9, với tuổi đời khoảng 1.200 năm. Tượng có kích thước cao gần 1,15 m, hình nữ thần đứng thẳng, hai tay cùng đưa cân xứng về phía trước, tóc được búi lại thành hình chóp (jata), trên chóp chạm một tượng Phật A Di Đà. Gương mặt bồ tát nghiêm nghị, giữa trán có một urna (huệ nhãn) hình thoi...

Đóa sen, con ốc 'đoàn tụ' với tượng Bồ tát Tara sau gần 45 năm - Ảnh 1.

Bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara hiện đang lưu giữ trong kho đặc biệt của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

HOÀNG SƠN

Ngay sau đó, pho tượng này được thu hồi, đưa về lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (thời ấy chưa tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng).

NHIỀU ĐỜI CHỦ TỊCH XÃ CẤT GIỮ HIỆN VẬT QUÝ

Sau thời điểm phát hiện tượng Bồ tát Tara, người dân thôn Đồng Dương tiếp tục phát hiện thêm 2 chi tiết là con ốc và hoa sen là hiện vật cầm tay của tượng. Hai hiện vật này sau đó được nhân dân thôn Đồng Dương giao UBND xã Bình Định Bắc cất giữ. Tượng Bồ tát Tara được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia vào năm 2012. Hiện tượng đang được lưu giữ, trưng bày với hiện trạng không có 2 chi tiết con ốc và hoa sen trên bàn tay.

Trước khi 2 chi tiết con ốc và hoa sen được chuyển giao về cho Bảo tàng Quảng Nam bảo quản vào năm 2019, thì nhiều đời chủ tịch xã Bình Định Bắc lưu giữ 2 hiện vật và bàn giao cho nhau, đưa vào cất tại một nơi bí mật. Họ xem đó như báu vật, khi nào "rời ghế" cũng phải chuyển lại nguyên vẹn 2 hiện vật đó cho người kế nhiệm tiếp tục cất giữ.

Bà Phan Thị Hiệp, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc, cho hay: "Nếu nhớ không nhầm thì tôi là đời chủ tịch thứ 10 tiếp nhận và cất giữ 2 báu vật này. Chính tôi là người ký biên bản để bàn giao 2 báu vật này để đưa về Bảo tàng Quảng Nam bảo quản".

Theo bà Hiệp, người dân ở đây có mong muốn khi trao trả hiện vật thì Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phải hỗ trợ kinh phí để xây dựng một nhà sinh hoạt thôn Đồng Dương (nơi có di tích quốc gia đặc biệt là Phật viện Đồng Dương) và được đơn vị này đồng ý. Đây là điều kiện chính đáng, trong luật Di sản văn hóa cũng có quy định vậy. Tuy nhiên, từ đó đến nay chưa thấy họ hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà sinh hoạt. Vì chờ đợi quá lâu nên mới đây H.Thăng Bình đã bố trí kinh phí để xây dựng nhà sinh hoạt.

Đóa sen, con ốc 'đoàn tụ' với tượng Bồ tát Tara sau gần 45 năm - Ảnh 2.

Đóa sen đang được giữ tại Bảo tàng Quảng Nam

MẠNH TRƯỜNG

Đóa sen, con ốc 'đoàn tụ' với tượng Bồ tát Tara sau gần 45 năm - Ảnh 3.

Con ốc trên cánh tay của tượng Bồ tát Tara bị gãy sẽ được “đoàn tụ” với tượng gốc

MẠNH TRƯỜNG

Ý NGHĨA TRỌN VẸN

Ông Trần Văn Đức, Phó giám đốc phụ trách Bảo tàng Quảng Nam, cho hay 2 chi tiết là con ốc và hoa sen, hiện vật cầm tay của tượng Bồ tát Tara, đang được cất giữ kỹ trong két sắt ở bảo tàng. Hiện nay, UBND tỉnh cũng đã thống nhất chủ trương chuyển giao 2 hiện vật này về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. "Việc 2 hiện vật "hợp nhất" với tượng gốc là một việc rất hợp lý. Bởi khi hoàn chỉnh thì mới phát huy tốt nhất giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học. Qua đó, giúp cho công chúng có một cái nhìn tổng quát nhất về một bảo vật quốc gia", ông Đức nói.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Kỳ Phương, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, cho biết tượng Bồ tát Tara là một kiệt tác của nghệ thuật Chăm và nghệ thuật Phật giáo Đông Nam Á. Tượng được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đánh giá rất cao. Việc tìm thấy tượng được coi là một sự kiện rất quan trọng về nghệ thuật Champa trong thế kỷ 20.

Theo ông Phương, trong nghiên cứu về tượng có bộ môn tiếu tượng học nhằm nghiên cứu về nội dung và ý nghĩa pho tượng. Muốn nghiên cứu thì phải dựa trên những vật tiêu biểu. Vật cầm tay của các vị Bồ tát trong Phật giáo được gọi là pháp khí. Riêng Bồ tát Tara thì 2 pháp khí là một đóa sen và một con ốc. Nhờ 2 vật cầm tay này mà người ta mới có thể biết thêm ý nghĩa bức tượng Tara bằng đồng.

Ông Trần Kỳ Phương cho rằng việc gắn lại 2 vật cầm tay với tượng gốc là không thể bởi vật liệu gắn kết có thể sẽ dẫn đến hỏng pho tượng gốc. "Cho nên, cách tốt nhất là trưng bày 2 hiện vật này cùng với bức tượng. Qua đó, người xem có thể hình dung được tượng gốc trông như thế nào và cũng hiểu được ý nghĩa 2 hiện vật hoa sen và con ốc", ông nhấn mạnh.

Ông Phương cho biết thêm, bảo vật tượng Bồ tát Tara đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là bản phục chế tỷ lệ 1:1. Do vậy, để phục vụ trưng bày, trên cơ sở 2 hiện vật tiếp nhận có thể vẽ hoặc sao chụp và trưng bày cùng phiên bản tượng để người xem có thể hình dung chứ không nhất thiết phải làm thêm 1 bản phục chế cả 2 hiện vật này. 

Sớm hoàn tất thủ tục tiếp nhận hiện vật

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - nơi đang quản lý trực tiếp bảo vật tượng Bồ tát Tara, cho biết đã nắm được thông tin phía tỉnh Quảng Nam đồng ý việc hoàn nguyên 2 hiện vật là chi tiết thuộc bức tượng gốc. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin chính thức bằng văn bản từ cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam. Ông Tuấn cho rằng để tiếp nhận hiện vật, khi có văn bản chính thức, Bảo tàng, Sở VH-TT TP sẽ họp bàn và trình kế hoạch lên UBND TP.Đà Nẵng để hoàn tất các thủ tục hành chính.

ĐỀ xuất khen thưởng cho người dân tìm ra bảo vật

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cho biết căn cứ quy định tại điều 41 luật Di sản văn hóa và luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Di sản văn hóa, Sở đã đề nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương, giao Sở VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất việc khen thưởng cho nhân dân thôn Đồng Dương, về thành tích phát hiện, giao nộp các hiện vật nêu trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.