Đoạn kết cho lớp tàu ngầm hạt nhân độc nhất của Mỹ

25/02/2021 07:30 GMT+7

Hải quân Mỹ đã đưa ra kế hoạch loại biên các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Ohio, thế hệ tàu độc đáo hiện vẫn là một trong những trang bị chủ lực của quân đội.

Hải quân Mỹ gần đây công bố kế hoạch xây dựng đội tàu mới với tổng cộng 541 chiếc vào năm 2051, trong đó 404 chiếc sẽ được bổ sung và 304 chiếc được cho về hưu.
Trong số những tàu về hưu có 14 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong đó có 2 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình (SSGN) lớp Ohio là chiếc USS Ohio và USS Florida. Đó sẽ là dấu chấm hết cho hành trình hoạt động hơn 4 thập niên qua của tàu Ohio, tàu ngầm độc đáo bậc nhất của quân đội Mỹ.

Từ tên lửa đạn đạo đến tên lửa hành trình

Tàu USS Ohio là chiếc đầu tiên của lớp tàu ngầm Ohio được đóng và biên chế vào tháng 11.1981. Ban đầu, lớp tàu ngầm Ohio được thiết kế như là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN), thay thế cho 5 lớp tàu SSBN cũ được gọi chung bằng cái tên là “41 for Freedom” (41 vì tự do) được biên chế từ năm 1959-1967.
Tàu USS Ohio được đưa đến Hạm đội Thái Bình Dương, đóng trú tại cảng Bangor ở Washington từ năm 1982 và bắt đầu tuần tra răn đe chiến lược từ đó. Tàu Ohio dài 170 m, rộng 13 m, là tàu ngầm lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Tàu được trang bị 4 ống phóng ngư lôi và 24 ống phóng tên lửa (gồm các tên lửa đạn đạo UGM-96 Trident I), nhiều hơn 8 ống so với các tàu trước.

Tàu USS Ohio được cải biến từ tàu SSBN thành tàu SSGN tại xưởng đóng tàu ở bang Washington năm 2004

Hải quân Mỹ

Với động cơ hạt nhân, tàu Ohio có thể lặn sâu hơn và hoạt động liên tục mà không cần nổi lên mặt nước như các tàu chạy bằng điện-diesel. Đô đốc Hyman Rickover, người được mệnh danh là cha đẻ của lực lượng hạt nhân hải quân Mỹ, nói rằng tàu Ohio có thể gieo rắc nỗi sợ hãi cho các kẻ thù của Mỹ. Toàn bộ các tàu lớp Ohio đều mang tên của một tiểu bang, truyền thống từng dành riêng cho các chiến hạm và tàu tuần dương. Chỉ một chiếc ngoại lệ, mang tên của thượng nghị sĩ Henry M. Jackson.
Năm 1994, Mỹ thực hiện kiểm tra các lực lượng hạt nhân và xác định rằng hải quân chỉ cần 14 trong số 18 tàu SSBN. Do đó, 4 tàu ngầm đầu tiên của lớp Ohio gồm USS Ohio, USS Michigan, USS Florida và USS Georgia được cải biến lại thành tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình (SSGN).

Tàu USS Ohio tại Busan, Hàn Quốc. Phần mô đun giúp lính đặc nhiệm ra vào tàu lúc tàu đang lặn được mở ra

AFP

Quá trình cải biến của tàu USS Ohio diễn ra từ năm 2002-2005. Sau khi hoàn tất, tàu ngầm này chỉ còn 22 ống phóng tên lửa thẳng đứng và 2 ống còn lại được thay thế bằng các mô đun giúp lính đặc nhiệm ra khỏi tàu để làm nhiệm vụ trong lúc tàu đang lặn. Tàu Ohio sau khi sửa đổi có thể mang theo 154 tên lửa hành trình Tomahawk.
Năm 2017, tàu Ohio tiếp tục trải qua một đợt tân trang kéo dài 2 năm. Để tối ưu năng lực hoạt động, tàu có 2 nhóm thủy thủ (mỗi nhóm 155 người) được gọi là nhóm Xanh và Vàng, luân phiên vận hành con tàu. Mỗi nhóm sẽ tham gia một đợt triển khai từ 70 - 90 ngày và sau đó quay về bờ để nhóm kia tiếp tục ra khơi.

Lính đặc nhiệm hải quân rời khỏi tàu USS Florida lúc tàu đang lặn

Hải quân Mỹ

Đoạn kết của con tàu đặc biệt

Tàu USS Ohio và tàu USS Florida dự kiến bị loại biên và được “rã xác” vào năm 2026. Quá trình này bao gồm nhiều công đoạn như tắt lò phản ứng hạt nhân, tháo dỡ bộ phận tên lửa, tháo dỡ lò phản ứng… Con tàu sẽ được đưa lên ụ khô, tháo dỡ vũ khí và bị cắt ra thành nhiều phần để dễ tiếp cận lò phản ứng. Những phần có thể tái sử dụng sẽ được giữ lại, phần còn lại được bán phế liệu.
Phần nhiên liệu sẽ được cho vào một container đặc biệt và đưa về cơ sở ở bang Idaho để xử lý. Lò phản ứng sẽ được bao bọc bằng lớp thiết bị đặc biệt và đưa về khu xử lý phế thải hạt nhân Hanford ở bang Washington để chôn xuống đất. Bốn tàu SSGN lớp Ohio sẽ được thay thế dần bằng các tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia trong khi 14 tàu SSBN lớp Ohio sẽ được thay bằng lớp tàu Columbia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.