Uy lực hủy diệt của tàu ngầm tấn công hạt nhân

Khánh An
Khánh An
18/10/2019 07:40 GMT+7

.

Trang Nuclear Threat Initiative vừa đưa ra báo cáo cho thấy Trung Quốc đang tăng cường năng lực tàu ngầm hạt nhân bên cạnh tàu ngầm diesel - điện, kèm dự báo cho thấy nước này có thể sở hữu khoảng 65 - 70 tàu ngầm vào năm tới.

Chạy đua công nghệ

Mới đây, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) công khai tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) JL-2 tại lễ duyệt binh mừng quốc khánh hôm 1.10. Trước đó, các thông tin tình báo cho biết tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân này được thử nghiệm từ năm 2002 và trang bị chính thức từ năm 2014, dù Bắc Kinh chưa từng thừa nhận.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc có thể đang vận hành 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN), 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) và 50 tàu ngầm thông thường. Trong số các SSBN có tàu ngầm lớp Hạ (Type 092) - tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và mang tên lửa hạt nhân đầu tiên được thiết kế và đóng ở châu Á - với độ choán nước 6.500 tấn, được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, có thể mang theo 12 tên lửa đạn đạo JL-1.
Bên cạnh đó là 4 - 5 chiếc lớp Tấn (Type 094) dài 135 m, độ choán nước 11.000 tấn, mỗi chiếc mang 12 tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-2 có tầm bắn đến 7.200 km. Tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân đến 1 megaton (1.000 kiloton), trong khi quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống TP.Hiroshima (Nhật Bản) vào năm 1945 có sức nổ 15 kiloton.
Trong năm tới, Trung Quốc dự kiến tiếp tục nâng cấp tàu ngầm lớp Thương và đóng tàu ngầm Type 096 nhằm trang bị tên lửa JL-3 đang được thử nghiệm, có tầm bắn lên đến 11.900 km và có thể vươn đến mọi mục tiêu tại Mỹ. Theo báo cáo đưa ra vào tháng 8 về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Lầu Năm Góc cảnh báo rằng Bắc Kinh có sức mạnh răn đe hạt nhân nhờ chạy đua công nghệ tàu ngầm hạt nhân trong nhiều thập niên.

Sức mạnh hủy diệt

Trên thế giới hiện có hơn 10 nước sở hữu tàu sân bay, nhưng chỉ 6 nước có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên lửa hạt nhân, gồm Mỹ, Nga, Ấn Độ, Anh, Pháp và Trung Quốc. Các chuyên gia chỉ rõ trong trường hợp không xảy ra xung đột thì tàu sân bay có thể mang sứ mệnh răn đe quân sự, trong khi tàu ngầm hạt nhân ở mức răn đe hạt nhân tầm hủy diệt.
Hồi tháng 9, Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ thông báo việc phóng thử 4 tên lửa Trident II từ tàu ngầm nhưng tuyên bố không nhằm đáp trả bất cứ sự kiện nào trên thế giới. Theo chuyên san The National Interest, trọng tâm của lực lượng tên lửa đạn đạo chiến lược của Mỹ là 14 tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio, mỗi chiếc có thể mang 24 tên lửa Trident II, với tầm bắn lên đến 11.000 km và mỗi tên lửa có thể mang 8 đầu đạn hạt nhân W88 với sức nổ 475 kiloton.
Trong khi đó, hải quân Nga sở hữu 3 tàu ngầm lớp Borei và có kế hoạch đóng 10 tàu nhằm thay thế các tàu lớp Delta và Typhoon. Với độ choán nước 24.000 tấn, Borei trang bị 16 tên lửa đạn đạo RSM-56 Bulava với tầm bắn tối đa 10.000 km. Anh hiện có 4 tàu lớp Vanguard mỗi chiếc mang 16 tên lửa Trident II và đang phát triển lớp Dreadnought thay thế, với chiếc đầu tiên dự kiến được đóng vào năm 2028.
Pháp có 4 tàu ngầm lớp Le Triomphant đang hoạt động có thể mang 16 tên lửa M51, mỗi tên lửa có 12 đầu đạn hạt nhân. Bên cạnh 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ, Ấn Độ là nước duy nhất sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và trang bị tên lửa hạt nhân. Theo trang Military Today, tàu lớp Arihant được đưa vào biên chế năm 2016, có độ choán nước 6.000 tấn, mang theo 4 tên lửa đạn đạo K-4 tầm bắn 3.500 km và có thể trang bị đầu đạn hạt nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.