Đoàn Thị Hương không phạm tội giết người
02/04/2019 07:59 GMT+7
Với mức án 3 năm 4 tháng tù giam cùng khả năng giảm án, Đoàn Thị Hương có thể sẽ được trả tự do và về nước vào ngày 4.5.2019.
Tự động phát
Ngày 1.4, phiên tòa xét xử công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương về vụ án mạng gây chấn động tại Malaysia đã kết thúc trong không khí vui mừng khôn xiết của bên bị sau khi thẩm phán Azmi Ariffin tuyên án 3 năm và 4 tháng tù giam về tội gây thương tích. Phán quyết của tòa thượng thẩm Shah Alam cũng kết thúc quá trình xét xử vụ công dân CHDCND Triều Tiên Kim Chol bị sát hại bằng chất độc thần kinh VX tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur 2 ngày 13.2.2017. Nạn nhân được cho là Kim Jong-nam, anh trai Chủ tịch Kim Jong-un, nhưng Bình Nhưỡng từ chối bình luận.
|
Trong suốt thời gian xét xử, cả Đoàn Thị Hương cùng bị cáo người Indonesia Siti Aisyah cương quyết không nhận tội giết người mà cho rằng mình bị lừa và cả hai tưởng đang tham gia một chương trình truyền hình thực tế. Hồi tháng 3, cô Siti Aisyah bất ngờ được rút lại lời buộc tội và phóng thích ngay tại tòa.
“Bản án công bằng”
Trước phiên tòa hôm qua, AFP dẫn lời luật sư bào chữa Salim Bashir cho biết phía công tố bất ngờ đề nghị thay đổi cáo trạng đối với Hương. Cụ thể, bị cáo đối diện cáo buộc “cố ý gây thương tích bằng hung khí hoặc phương tiện nguy hiểm”. Theo điều 324 bộ luật Hình sự Malaysia, “các phương tiện nguy hiểm” bao gồm vật dụng, hóa chất có khả năng gây chết người. Bản án tối đa đối với tội danh này là 10 năm tù giam.
[VIDEO] Đoàn Thị Hương "có thể về nhà" vào tháng 5
|
Hương đã nhận tội và tòa tuyên 3 năm 4 tháng tù giam dựa trên sự thành khẩn của bị cáo. Một thành viên khác trong đội luật sư của Hương, ông Hisyam Teh Poh Teik cũng trình bày trước tòa rằng việc nhận tội “cho thấy người bị truy tố nhận trách nhiệm về hành động của mình. Điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian xét xử”.
|
Trong lúc đọc bản án, thẩm phán Ariffin nhận xét Hương “vô cùng may mắn” khi được phía công tố rút lại cáo buộc giết người, vốn gồm khung hình phạt tử hình. Bị cáo lắng nghe phán quyết của quan tòa và gật đầu. Thời gian thụ án tính từ ngày 15.2.2017, thời điểm Hương bị bắt, nên về lý thuyết Hương sẽ mãn hạn tù vào tháng 6.2020. Tuy nhiên, tờ The Straits Times dẫn lời luật sư Hisyam Teh cho hay cô có thể được giảm 1/3 mức án, tương đương 1 năm 1 tháng, và được phóng thích vào ngày 4.5.
Có mặt tại phiên tòa, cha của bị cáo là ông Đoàn Văn Thạnh không giấu được giọt nước mắt vui mừng. Ông bày tỏ rất cảm ơn Chính phủ Việt Nam, các cơ quan hữu quan của Việt Nam cũng như các luật sư đã nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho Hương. Khi rời khỏi tòa, Hương cũng chia sẻ với các phóng viên: “Đó là bản án công bằng. Tôi vô cùng hạnh phúc”, và bày tỏ mơ ước muốn lại được đi hát và đóng phim sau khi mãn hạn tù.
|
Nỗ lực bảo hộ của Việt Nam
Chiều 1.4, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước phán quyết đối với Đoàn Thị Hương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Ngay từ khi xảy ra vụ việc, Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan và Liên đoàn Luật sư của Việt Nam đã thực hiện mọi biện pháp bảo hộ công dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương, để đảm bảo công dân Đoàn Thị Hương được xét xử công bằng, khách quan và sớm được trả tự do”. Theo Bộ Ngoại giao, để đạt được kết quả trên, ngay từ khi xảy ra vụ việc, Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và các cơ quan hữu quan đã thực hiện mọi biện pháp để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương, đảm bảo Hương được xét xử công bằng, khách quan và sớm được thả tự do.
[VIDEO] Phiên tòa xử Đoàn Thị Hương: Nhìn lại 2 năm vụ án "sát hại Kim Chol"
|
Trước đó, hôm 12.3, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah, đề nghị bảo đảm xét xử công bằng, trả tự do cho công dân Đoàn Thị Hương. Cùng ngày, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long gửi thư cho Tổng chưởng lý Malaysia Tommy Thomas đề nghị xem xét trả tự do cho công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương. Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, cả Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah đều đã bị lợi dụng, lôi kéo vào vụ việc mà không biết hành động của mình có thể dẫn đến hậu quả chết người. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đề nghị Tổng chưởng lý Malaysia Tommy Thomas xem xét và đưa ra quyết định trả tự do cho Đoàn Thị Hương trên cơ sở đối xử pháp luật công bằng và phù hợp với quan hệ hữu nghị tốt đẹp, đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Malaysia.
Trao đổi nhanh với báo chí sau phiên tòa, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh cho biết ông đã căng thẳng cho đến lúc tòa tuyên án. Đại sứ Quỳnh cũng cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Malaysia, Tổng chưởng lý Tommy Thomas, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các luật sư Malaysia trong vụ việc và cho biết ông “rất vui là Đoàn Thị Hương sớm được thả tự do”. “Tôi vô cùng biết ơn khi Hương được thả sớm, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng Hương chỉ là một nạn nhân tương tự công dân Indonesia, cô Siti Aisyah”, Đại sứ Quỳnh nói.
Hiện Bộ Ngoại giao đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tiến hành các biện pháp cần thiết để đưa công dân Đoàn Thị Hương về nước an toàn.
Khả năng giảm án
Về khả năng Đoàn Thị Hương được giảm án và thả sớm, theo phần 6 trong Bộ quy định về giam giữ sửa đổi năm 2000, thuộc Đạo luật giam giữ năm 1955 của Malaysia, tất cả phạm nhân bị kết án hơn 1 tháng tù giam đều có thể được giảm 1/3 bản án nếu cải tạo tốt. Tờ The Straits Times dẫn lời luật sư Hisyam Teh Poh Teik nói Hương “có hành vi tốt và nhanh chóng nhận tội” nên sẽ được giảm án. Bên cạnh đó, ông nhận định Hương có một tương lai hứa hẹn với tấm bằng kế toán, dù “ngây thơ và cả tin” khi bị lừa tham gia vụ việc nhưng cô “không phải là tội phạm và cũng không có thiên hướng phạm tội”.
Vi Trân
|
Bình luận (0)