Dẫu biết đoán đề học tủ là bị “tủ đè” nhưng nhiều học sinh (HS) vẫn chọn cách học này?
“Nên đọc sách thay vì học tủ”
Đó là những gì mà Lê Quang Huy (sinh viên năm nhất, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) chia sẻ với các thí sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
Huy là một trong 3 thí sinh đạt điểm 10 môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo Huy, những HS học tủ là vì chưa học đủ kiến thức môn văn và hy vọng ra trúng bài tủ. Nhưng với khối lượng ôn tập chủ yếu là kiến thức lớp 12 và nhiều nội dung thì việc đoán đề học và trúng tủ là chuyện không thể đạt được.
Huy nói: “Ngoài ra, các bạn cần nắm trọng tâm kiến thức. Cần giữ cho mình một tâm thế sẵn sàng với tất cả tác phẩm và các dạng đề, phải nắm chắc nội dung và nghệ thuật các tác phẩm, đặc biệt chính là luận điểm của nó. Thay vì học tủ thì nên đọc sách và nghỉ ngơi để chuẩn bị tinh thần tốt nhất cho kỳ thi”. Theo Huy, nếu bạn nào muốn dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét vào trường ĐH thì đây là một kỳ thi rất quan trọng, do vậy không nên học tủ vì nhiều khi phải “trả giá” rất đắt.
Từ khóa dự đoán đề văn 2022 trên Google cho ra hàng nghìn kết quả |
CHỤP MÀN HÌNH |
Từng đạt 8,5 điểm môn văn và trở thành thủ khoa khối C tỉnh Đồng Tháp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 với số điểm 27,75, Lê Thị Thanh Dung (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cũng cho rằng không nên dự đoán học tủ mà chỉ cần ôn lại kiến thức đã học và nắm sâu tác phẩm mình yêu thích là đủ. “Trước khi học tủ thì HS phải học hết tất cả tác phẩm, tác phẩm nào mình ấn tượng thì học sâu hơn và đọc nhiều lần. Tránh trường hợp học tủ bài này quên bài kia. Chủ yếu là bản thân nên tự tin và có tinh thần thoải mái là làm bài sẽ đạt kết quả tốt nhất”, Dung cho biết.
Chỉ là biện pháp của những người “chống liệt”
Nghe nhạc, xem YouTube để truyền cảm hứng là những gì mà Phan Minh Quân, cựu HS Trường THPT Sào Nam, H.Duy Xuyên, Quảng Nam, thủ khoa khối C của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM năm 2021 với tổng điểm là 28,75 và đạt 9,75 điểm văn, chia sẻ. Bí kíp chạy “nước rút” sát những ngày thi của Quân là có một tinh thần thoải mái, bản thân sẽ làm bài đạt hiệu quả cao hơn. Quân thổ lộ: “Trước khi thi, chúng ta nên tìm đọc hoặc nghe những gì mà bản thân cảm thấy được truyền cảm hứng. Ví dụ như những bản nhạc, những buổi giao lưu của giới mộ điệu văn chương, báo chí, để có một tinh thần thoải mái, cũng như cập nhật được tin tức xã hội”.
Quân cho rằng đoán tủ đề để ôn văn là một điều hết sức phổ biến, vì tâm lý trước khi thi HS “bất an” trước số lượng lớn tác phẩm nên các bạn thường sẽ chọn học một đến hai tác phẩm để có cảm giác an toàn, chắc chắn. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp của những người “chống liệt” (điểm liệt), không có đam mê và cũng không có nhu cầu đạt điểm cao khối khoa học xã hội. “Theo mình, học tủ là một phương pháp vô cùng mạo hiểm, chỉ cần không ra đúng bài đã học, tâm lý thí sinh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Thay vì học tủ, HS nên chọn đọc sơ lược các nội dung trong tác phẩm, những lúc này không được học thuộc lòng văn mẫu mà phải đọc để hiểu vấn đề, nếu được thì nhớ cả luận điểm lớn trong tác phẩm”, Quân nói thêm.
Nhiều học sinh đoán đề trên hội nhóm mạng xã hội để mong “trúng tủ” |
Trước giờ G nên “tâm sự” cùng giáo viên
Chia sẻ về chuyện học tủ để mong trúng đề, cô Văn Trịnh Quỳnh An (giáo viên môn ngữ văn, Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay trước khi học tủ HS cần nắm kiến thức của tất cả tác phẩm trong chương trình học, trong đó tác phẩm mình yêu thích thì học thật kỹ. “Tâm lý thoải mái nhất chính là cứ việc làm cho hết bài, đừng ráng nghĩ theo ý của giám khảo. Cứ viết theo suy nghĩ và những gì mình đã được học, trước khi làm bài thì phải đọc kỹ đề, phân bổ thời gian hợp lý”, cô An nói.
Cô An cũng cho hay để làm bài hiệu quả, trước ngày thi nếu có thắc mắc thì HS hãy mạnh dạn “tâm sự” với giáo viên môn văn nhằm củng cố và nắm chắc kiến thức để tâm lý thoải mái khi thi.
Việc HS đoán tủ để ôn bài là việc không nên vì ai cũng biết là khả năng “tủ đè” là rất cao. Đó là ý kiến của thầy Lê Tấn Minh (giáo viên môn văn, Trường THPT Trần Văn Ơn, tỉnh Bến Tre). Thầy Minh cho rằng nếu may mắn vào bài mà HS tủ nhưng không có kỹ năng làm bài thì cũng không giải quyết được vấn đề và điểm cũng không cao. “Vậy thì sao chúng ta lại đặt tương lai của chúng ta vào những trò may rủi mà ở đây rủi nhiều hơn may?”, thầy Minh nhấn mạnh.
Bình luận (0)