3.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã áp dụng hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán
Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó tổng biên tập Báo Tiền Phong - đặt vấn đề, việc triển khai hóa đơn điện tử sẽ góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số, chống thất thu và tăng thu ngân sách; tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và cả những bất cập đang phát sinh trong việc triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Doanh nghiệp bán lẻ phải đầu tư số tiền quá lớn, trong khi người tiêu dùng không mấy mặn mà với việc lấy hóa đơn, dẫn đến lãng phí.
Tuy nhiên, ông Mai Sơn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho biết, đến nay có trên 3.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã thực hiện kết nối, xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán. Ông Sơn nhấn mạnh: "Ở góc độ doanh nghiệp, việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp các đơn vị quản trị, nâng cao thương hiệu, uy tín khi quản lý bằng công nghệ. Không phải mặt hàng xăng dầu mà tất cả hàng hóa khi xuất hóa đơn điện tử sẽ đem đến nhiều quyền lợi cho người tiêu dùng. Qua đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ giảm thiểu được hành vi gian lận (nếu có)".
Là đơn vị đầu mối, đồng thời là kênh phân phối trực tiếp, sở hữu 48 công ty xăng dầu với 2.700 cửa hàng trải rộng trên cả nước, ông Lưu Văn Tuyển - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chia sẻ: Từ năm 2013 đến nay, tập đoàn đã triển khai đầu tư hệ thống cột bơm và hệ thống thu nhận tín hiệu. Thông tư số 15 của Bộ KH-CN năm 2015 có quy định tất cả cột bơm xăng dầu đều phải in được toàn bộ dữ liệu bán xăng dầu cho mỗi lần thực hiện bán hàng. Thế nên, khi Chính phủ triển khai Nghị định 123, áp dụng hóa đơn điện tử tại cửa hàng bán lẻ, Petrolimex đã có sẵn nguồn lực về hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ và giải pháp để triển khai và không gặp trở ngại trong quá trình thực hiện...
Chi phí xuất hóa đơn cao gấp 100 lần mỗi năm?
Tuy nhiên, đại diện thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lại cho rằng, họ không có "xuất phát điểm" như Petrolimex để áp dụng hóa đơn điện tử ngay lập tức. Ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đồng Nai nói, sau 2 năm đại dịch, doanh nghiệp xăng dầu đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt vấn đề tài chính. Trong khi để triển khai hóa đơn điện tử, 1 trạm xăng bỏ ra ít nhất 70 triệu đồng để đầu tư thiết bị, kết nối… Nên việc triển khai hóa đơn điện tử bán lẻ trong xăng dầu cần có lộ trình để các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa từng bước hoàn thiện.
Ngoài ra, ông Phụng cũng nêu thực trạng khi cơ quan thuế cứ đôn đốc báo doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử, nhưng không cơ quan nào giới thiệu hay hướng dẫn về hệ thống phần mềm thống nhất. Đến nay, các công ty rao bán giải pháp phần mềm cho cửa hàng xăng dầu "mọc" lên như nấm, mỗi ngày, doanh nghiệp nhận cả chục cuộc gọi mời chào. "Nên chăng Bộ KH-CN thống nhất phần mềm thế nào để giới thiệu cho doanh nghiệp và có cơ quan chịu trách nhiệm về hệ thống phần mềm này", ông Phụng đề xuất.
Ông Đặng Hoài Phương - Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Phương Nam Lâm Đồng, bổ sung trước đây, chi phí bình quân về việc xuất hóa đơn của một cửa hàng xăng dầu khoảng 1 triệu đồng mỗi năm. Nay doanh nghiệp được các công ty phần mềm, cung cấp hóa đơn điện tử báo chi phí từ 100 - 165 triệu đồng mỗi năm. "Mức đầu tư này cao gấp 100 lần so với hóa đơn mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang sử dụng dẫn đến làm đội chi phí, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp", ông Phương nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Hoàng Trung Dũng - Tổng giám đốc Công ty CP phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) bày tỏ lo lắng bởi… "không ai duyệt cho để đầu tư tiếp". Để thực hiện việc xuất hóa đơn thì mỗi cửa hàng xăng dầu phải đầu tư từ 400 - 700 triệu cho phần cứng, chưa nói đến phần mềm và các chi phí khác liên quan. Tất cả các khoản đầu tư đó, hiện doanh nghiệp bán lẻ không biết lấy từ đâu ra? Trong khi đó, thù lao bán hàng đến nay cũng chỉ ở mức 500 - 600 đồng/lít. Ông nói: "Nếu đầu tư như thế, khi hạch toán thì ngay lập tức hội đồng quản trị không ai duyệt cho đầu tư với đống máy móc thiết bị như vậy để làm việc đó. Thật lòng thì doanh nghiệp rất lo lắng!".
Bà Trần Thụy Thùy Trâm - Giám đốc Công ty TNHH TM Đoan Việt - đưa 3 kiến nghị đến cơ quan quản lý thuế. Đó là nếu doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử từng lần bơm thì doanh nghiệp đề xuất được chi phí kinh doanh định mức với doanh nghiệp đầu mối; đối với khách hàng không có nhu cầu nhận hóa đơn điện tử, đề nghị xuất hóa đơn gộp vào cuối ngày; đề nghị các công ty phần mềm kế toán, giải pháp, kinh doanh hóa đơn điện tử linh hoạt mở cổng API. Mục đích giúp doanh nghiệp bán lẻ được quyền lựa chọn đơn vị cung cấp hóa đơn điện tử với giá thành hợp lý, dịch vụ hợp lý, quy trình phù hợp với trụ bơm chúng tôi đang sử dụng.
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh nêu quan điểm, triển khai hóa đơn điện tử cũng đã có quy định rõ ràng, là quy định tất yếu buộc phải thực hiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành xăng dầu đang gặp nhiều khó khăn, mong cơ quan quản lý nhà nước, trong đó, đại diện cơ quan ngành thuế, áp dụng chính sách, triển khai pháp lý từ trên xuống. Đặc biệt, hết sức quan tâm đến hoàn cảnh thực tế của các doanh nghiệp. Đến bao giờ cửa hàng bán lẻ xăng dầu Việt Nam có thể làm được một việc mà các quốc gia phát triển đã triển khai hàng chục năm nay, đó là khách hàng tự phục vụ? Khi thực hiện hóa đơn điện tử sẽ làm tăng chi phí đầu tư và chi phí thường xuyên, những chi phí này được phân bổ vào đâu để đảm bảo doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận và vẫn hoạt động được.
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, ông Mai Sơn cho biết, ngành thuế đang đề xuất máy tính tiền ở các cửa hàng có thể xuất hóa đơn điện tử.
Bình luận (0)