Doanh nghiệp bất động sản kiệt sức

Đình Sơn
Đình Sơn
23/09/2021 06:05 GMT+7

Sau 4 làn sóng dịch Covid-19 , đặc biệt là làn sóng thứ 4 bùng phát mạnh từ mấy tháng qua đã khiến hầu hết công ty bất động sản kiệt sức, nhiều công ty đã đóng cửa.

Đóng cửa, chuyển nghề

Liên hệ với ông Thành, chủ Công ty bất động sản (BĐS) T.L, trụ sở chính ở Q.Tân Bình, TP.HCM, chuyên bán đất nền vùng ven TP.HCM, có 1 trụ sở văn phòng chính và 2 chi nhánh. Trước dịch, công ty có 300 nhân viên, nhưng đến nay đã đồng loạt trả mặt bằng, đóng cửa công ty và cho nhân viên về quê. Theo lãnh đạo công ty này, hiện các công ty BĐS đang gặp nhiều khó khăn khi khách hàng, nhà đầu tư đã ký hợp đồng mua nền đất của công ty không có tiền thanh toán, nhiều người thậm chí đòi thanh lý hợp đồng, chấp nhận chịu phạt. “Hiện nay công ty cũng chưa có kế hoạch mở cửa trở lại, chờ qua hết năm nay tính tiếp, bởi nếu mở ra mỗi tháng chi phí khoảng 3 tỉ đồng, trong khi nhân viên đã về quê hết, nên muốn mở cửa cũng không được. Mà mở cửa, khách hàng đòi thanh lý hợp đồng, công ty không có nhiều tiền mặt để trả lại vì tiền đang nằm trong các dự án”, ông Thành chia sẻ.
Nếu không có sự hà hơi, tiếp sức, nhất là chính sách tín dụng và thủ tục hành chính được nới lỏng thì trong thời gian tới, các DN BĐS sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí phá sản hàng loạt

Một chuyên gia BĐS nhận định

Nhiều tháng qua, một công ty có dự án BĐS nghỉ dưỡng khá lớn tại tỉnh Bình Thuận và Phú Quốc điêu đứng vì hàng bán không được, nhưng tiền vẫn phải chi ra để thi công dự án, lương, các chi phí vốn, lãi suất ngân hàng… khiến doanh nghiệp (DN) này kiệt sức. Những khó khăn chưa dừng lại ở đó, bởi khi dịch Covid-19 bùng phát khiến việc thi công dự án chậm so với cam kết trong hợp đồng với khách hàng. Đúng lúc khách hàng cũng gặp khó về tài chính nên quay lại đòi thanh lý hợp đồng, lấy lại tiền. Lãnh đạo công ty này thú nhận, đã cắt giảm 40 - 50% lương tùy vị trí công việc nhưng đến 2 tháng nay, công ty vẫn không thể kham nổi, đành phải nợ lương nhân viên. “Nếu tình hình khó khăn này kéo dài có thể những khó khăn sẽ càng thêm trầm trọng, chưa biết sẽ thế nào”, vị này nói.
Lãnh đạo một tập đoàn BĐS có tiếng tại TP.HCM cũng thừa nhận đã quá sức chịu đựng khi thời gian trước TP.HCM siết chặt, gần như các dự án mới không thể triển khai. Hàng chục dự án của công ty “đứng hình” khoảng 3 năm nay. Để duy trì hoạt động, công ty chủ động tiến về các tỉnh nhưng một số dự án vừa đưa vào kinh doanh, vận hành thì dịch ập đến khiến giao dịch bị chặt đứt. “Đặc thù của BĐS là tài sản lớn nên trước khi xuống tiền, khách hàng phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ và đặc biệt là phải đi xem thực tế để biết rõ về tiến độ và pháp lý có đảm bảo hay không. Nhưng nay, các địa phương phong tỏa nên khách hàng không thể đi xem dự án, đồng nghĩa với việc không có giao dịch, không có doanh thu, lợi nhuận. Gay go nhất là các khách hàng đã ký hợp đồng mua BĐS cũng xin hoãn đóng tiền với lý do khó khăn. Công ty đang tính đến chuyện dần thoát khỏi BĐS để chuyển sang làm nông nghiệp”, vị này thừa nhận.

Chỉ những công ty niêm yết có lãi?

Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, khi dịch bệnh xảy ra, tất cả DN, ngành nghề đều “đuối” nhưng một số DN BĐS vẫn có lãi lớn và chủ yếu tập trung ở nhóm DN đã niêm yết trên sàn chứng khoán, còn các công ty địa ốc chưa lên sàn hầu như khó có được kết quả kinh doanh tích cực. Như Công ty CP đầu tư Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) công bố doanh thu thuần quý 2 đạt 2.543 tỉ đồng, lãi sau thuế 1.312,9 tỉ đồng, tăng lần lượt 258% và 50% so với cùng kỳ năm trước, phần lớn hưởng lợi từ việc bàn giao các dự án trọng điểm như Saigon Royal, Aqua City, NovaHills Mui Ne, Victoria Village, NovaWorld Ho Tram, NovaWorld Phan Thiet… Hay Tập đoàn Đất Xanh công bố doanh thu thuần quý 2 đạt tới 3.563 tỉ đồng, tăng gấp 7,4 lần so với cùng kỳ 2020 và lợi nhuận sau thuế gần 479 tỉ đồng… Sở dĩ có tình trạng này, theo ông Trần Khánh Quang, các DN BĐS niêm yết được hưởng lợi nhờ lực đỡ rất lớn từ thị trường chứng khoán.
Thời gian qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp DN BĐS niêm yết trên sàn có điều kiện thuận lợi trong việc huy động và điều phối dòng vốn, từ đó có điều kiện hoạch định và phân bổ lợi nhuận tốt hơn. Một đặc thù của ngành BĐS là chỉ khi bàn giao nhà, nền đất, sản phẩm mới được ghi nhận doanh thu theo tiêu chuẩn kế toán hiện hành.
Trung bình một dự án từ lúc chào bán đến khi bàn giao sản phẩm thường có độ trễ một vài năm. Chính vì đặc thù ghi nhận doanh thu này mà các DN niêm yết không phụ thuộc tình hình chào bán sản phẩm trong kỳ để kiểm toán mà có thể chủ động sắp xếp kế hoạch lợi nhuận theo trình tự bàn giao nhà cuốn chiếu. Điều này lý giải vì sao thị trường BĐS trầm lắng suốt quý 2 nhưng các DN BĐS vẫn báo doanh thu và lợi nhuận cao vì đó là doanh thu của những dự án đã bán trước đó.
Một chuyên gia BĐS cũng đồng quan điểm khi cho rằng việc nhiều DN, nhất là các DN niêm yết công bố doanh thu, lợi nhuận khủng trong kỳ thường không phản ánh đúng bản chất hoạt động kinh doanh. Bởi chu kỳ kinh doanh của nhóm ngành BĐS có sự khác biệt so với ngành khác.
Chẳng hạn, chu kỳ ghi nhận doanh thu, lợi nhuận và kinh doanh dài hơn so với các ngành như thép, chứng khoán, ngân hàng... Vì tính chất này mà kết quả kinh doanh của nhiều DN BĐS có doanh thu, lợi nhuận cao nhưng thực chất thời điểm này gặp nhiều khó khăn hơn so với các lĩnh vực khác. Một chuyên gia BĐS nhận định: Nếu không có sự hà hơi, tiếp sức, nhất là chính sách tín dụng và thủ tục hành chính được nới lỏng thì trong thời gian tới, các DN BĐS sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí phá sản hàng loạt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.