'Doanh nghiệp bồi thường trước cho dân, nhà nước sẽ bồi thường lại cho doanh nghiệp'

Thúy Liễu
Thúy Liễu
22/10/2024 15:46 GMT+7

Đây là ý kiến của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan liên quan đến những vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp quốc lộ 50 (H.Bình Chánh).

Ngày 22.10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan và các đơn vị làm việc với UBND H.Bình Chánh về tình hình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công dự án nâng cấp quốc lộ 50 (H.Bình Chánh).

Theo báo cáo tại buổi làm việc, dự án xây dựng mở rộng quốc lộ 50 (H.Bình Chánh) có 725/725 trường hợp đồng ý ký biên bản bàn giao mặt bằng để thi công thực hiện dự án. Trong đó, có 131/725 trường hợp thuộc đoạn nút giao giữa dự án nâng cấp quốc lộ 50 và dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía nam tiến hành thi công.

Trong quá trình thi công công trình, phát sinh một số hộ chưa tháo dỡ do nhiều lý do hoặc tháo dỡ chưa đúng ranh thu hồi dự án.

Vướng giải tỏa mặt bằng đường song hành quốc lộ 50

Giai đoạn 1 của dự án, liên quan đến vướng mắc bồi thường, giải phóng mặt bằng gói thầu đường song hành quốc lộ 50 với 2 doanh nghiệp là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng và kinh doanh nhà Gia Hòa (Doanh nghiệp Gia Hòa) và Công ty TNHH MTV đầu tư kinh doanh nhà Khang Phúc (Công ty Khang Phúc), theo báo cáo, hiện còn 11 hộ dân chưa tháo dỡ bàn giao mặt bằng.

 - Ảnh 1.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan (bên trái) xem bản vẽ dự án nâng cấp quốc lộ 50

ẢNH: THÚY LIỄU

Theo ông Nguyễn Văn Tài, Phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh, trong khu dân cư Gia Hòa hiện còn 3 hộ dân do Doanh nghiệp Gia Hòa xây dựng chưa bàn giao mặt bằng. Trước khi có dự án đường song hành quốc lộ 50 đi qua, đây là vị trí được quy hoạch làm công viên và trách nhiệm của doanh nghiệp là phải thu hồi đất, xây dựng công viên và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà Doanh nghiệp Gia Hòa chưa thực hiện bồi thường cho 3 hộ dân này.

Còn với 8 hộ dân giáp đường Trịnh Quang Nghị do Công ty Khang Phúc quản lý, ông Tài cho biết, qua làm việc, vận động nhiều lần, đến nay có 3 hộ dân đồng ý giải tỏa mặt bằng, còn lại 5 hộ chưa đồng ý thì Công ty Khang Phúc đề nghị bồi thường thêm tiền hoặc hoán đổi đất tái định cư.

Ông Phạm Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty Khang Phúc cho biết, công ty đã có chuẩn bị 10 nền đất tại dự án khu dân cư Phong Phú 4, diện tích từ 100 - 200 m2 để thực hiện tái định cư hoặc hoán đổi đất cho 8 hộ dân. Công ty cũng phối hợp với Ban bồi thường của huyện để tiếp xúc người dân, đề xuất có phương án giá phù hợp của 10 nền đất này là từ 45 - 55 triệu/m2. Đồng thời, ông Nhựt thông tin thêm công ty cũng có làm việc với Sở TN-MT TP.HCM nhờ hướng dẫn cấp giấy chứng nhận cho hộ dân chấp nhận bồi thường bằng hình thức hoán đổi tái định cư.

"Công ty đã chuẩn bị sẵn nguồn tài chính và nền đất để hoán đổi cho người dân nhưng hiện một số hộ dân có yêu cầu đòi bồi thường rất cao, có người đòi gấp 5 lần so với phương án, không thể chấp nhận được. Do đó, công ty đề xuất UBND H.Bình Chánh xem xét theo phương án bồi thường đã được duyệt", ông Nhựt nói.

 - Ảnh 2.

Quang cảnh buổi làm việc

ẢNH: THÚY LIỄU

Về vấn đề này, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, cần phân tích rõ vấn đề giá trị trên cơ sở pháp lý cho người dân hiểu. "Nếu tính theo bảng giá đất mới, đường Trần Quang Nghị cũng có giá bồi thường cao nhất là 12 triệu đồng, không hơn gì quốc lộ 50. Chưa kể tổng diện tích đất của người dân cũng gồm nhiều thành phần như mặt tiền, trồng cây lâu năm… Do đó, nếu để nhà nước bồi thường thì cũng không thể hơn được diện tích đất nền mà doanh nghiệp hoán đổi", ông Hoan nói.

Theo đó, về mặt nguyên tắc, doanh nghiệp sẽ bồi thường cho người dân và nhà nước sẽ bồi thường lại cho doanh nghiệp. Theo ông Hoan, nếu 2 doanh nghiệp bồi thường được cho dân trước để đạt được ngưỡng đó, nhà nước cũng sẽ không để doanh nghiệp thiệt thòi.

"Cho nên, nếu người dân không đồng thuận với giá bồi thường của doanh nghiệp, nhà nước sẽ bồi thường theo phương án của nhà nước. Do đó, công tác vận động rất quan trọng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp phải làm cho dân thấy lợi ích giữa việc bồi thường của 2 bên. Doanh nghiệp bồi thường có thể cao hơn một chút nhưng không được quá cao. Người dân có quyền lựa chọn nhưng phải trả lời rõ ràng, nếu không thỏa thuận được thì nhà nước sẽ tiến hành cưỡng chế", ông Hoan cho biết.

Chọn phương án tốt nhất cho người dân

Giai đoạn 2 của dự án, liên quan đến 16 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, trong đó có 7 hộ nằm trong quy hoạch đường vào bãi rác Đa Phước, ông Hoan đề nghị cần xác định lại ranh giới xem 7 hộ này nằm trong dự án nào. Bởi vì, năm 2004 có dự án đường vào bãi rác, nhưng đến năm 2007, Bộ GTVT nghiên cứu phát triển quốc lộ 50, thì 7 hộ này lại nằm trong ranh giới dự án mới.

 - Ảnh 3.
 - Ảnh 4.

Ảnh bên trái: Một số căn nhà nằm trong diện phải giải tỏa mặt bằng thực hiện dự án nâng cấp quốc lộ 50 nhưng chưa di dời. Ảnh bên phải: Mặt bằng đường song hành quốc lộ 50 bên trong khu dân cư Phong Phú 4 (H.Bình Chánh)

ẢNH: THÚY LIỄU

"Điều này dẫn đến tình trạng trùng ranh giới dự án, do đó, chúng ta phải xác định cho rõ 7 hộ này nằm trong dự án nào. Quyết định sau bao phủ quyết định trước và nhìn vào quy hoạch, 7 hộ này đều nằm hoàn toàn trên quốc lộ 50. Quyết định nào cũng có pháp lý, người dân có quyền lựa chọn cái nào tốt nhất và chúng ta cũng phải giải quyết cho tốt. Quan điểm cá nhân tôi là áp dụng ranh của quốc lộ 50 để bồi thường cho 7 trường hợp này", ông Hoan nói.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Sở TN-MT phối hợp H.Bình Chánh rà soát pháp lý, đối chiếu quy định pháp luật và đề xuất cho UBND TP.HCM phương án chọn. Làm sao để vừa hợp lòng dân, vừa phù hợp pháp lý, giải quyết nhanh công việc. Ông Võ Văn Hoan đề nghị ngày 5.11 phải có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.