Hồ sơ yêu cầu nhiều cái không liên quan
Sáng 28.2, tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp và chính quyền TP.HCM về chủ đề bảo hiểm xã hội (BHXH), đại diện Công ty TNHH May thêu Thuận Phương (gọi tắt là công ty, ở Q.6, TP.HCM) có ý kiến về việc từ cuối năm 2021 đến nay, công ty bị thanh tra 4 lần vì có người lao động nghỉ hưởng chế độ thai sản sau khi đóng đủ 6 tháng BHXH.
"Sắp tới, công ty chúng tôi có thể có thêm 2 trường hợp người lao động hưởng thai sản nữa. Tôi thắc mắc với BHXH Q.6 thì được thông tin là có chỉ đạo rằng trường hợp nào cứ người lao động vừa đóng đủ 6 - 7 tháng BHXH mà hưởng thai sản là phải đi thanh tra doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này còn nhiều bất hợp lý", đại diện công ty nói.
Công ty cho rằng, việc nghỉ hưởng chế độ thai sản khi nào là phụ thuộc vào tình trạng cụ thể mỗi người lao động cũng như thời điểm đóng BHXH. Điều này doanh nghiệp không thể chủ động, tự ý dời thời điểm.
Song song đó, hồ sơ yêu cầu thanh tra của cơ quan BHXH cũng bất hợp lý.
Cụ thể, hồ sơ của BHXH khi thanh tra lại yêu cầu báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế thu nhập cá nhân của năm trước đó, tức trước thời điểm phát sinh người lao động tại công ty; kèm theo đó là toàn bộ hợp đồng lao động, toàn bộ bảng lương của đơn vị.
Với yêu cầu này của cơ quan BHXH mỗi lần thanh tra, công ty tốn nhiều thời gian để chuẩn bị. Ngoài ra, trong số đó, có nhiều tài liệu mà cơ quan BHXH muốn kiểm tra không liên quan đến người lao động.
Công ty cũng đặt nghi vấn liệu có hay không việc "phân biệt đối xử" theo tình trạng mang thai của người lao động.
Qua đó, đề nghị cơ quan BHXH xem xét, tạm dừng việc thanh tra doanh nghiệp khi phát sinh các trường hợp người lao động nghỉ hưởng chế độ thai sản khi vừa đóng đủ 6 - 7 tháng BHXH.
Tránh lạm dụng quỹ BHXH
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó giám đốc quản lý, điều hành BHXH TP.HCM cho biết, theo quy định, chỉ thanh tra 1 lần/năm, nếu công ty có dấu hiệu vi phạm thì mới thanh tra lại.
"Còn trường hợp mà công ty đề cập là công tác kiểm tra của cơ quan BHXH, nhằm đảm bảo việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng lạm dụng quỹ BHXH. Đây cũng là công tác thường xuyên, định kỳ", ông Thanh nhấn mạnh.
Phản hồi câu trả lời này, đại diện Công ty TNHH May thêu Thuận Phương nói: "Theo tôi đây không phải định kỳ. Mà là khi có sự việc, khi có người lao động hưởng thai sản đóng đủ 6 - 7 tháng BHXH thì đơn vị mới kiểm tra".
"Tôi không nói BHXH không được đi kiểm tra, mà là việc kiểm tra như thế rất vô lý vì BHXH chỉ nhắm đến một trường hợp duy nhất là lao động có thai và nói là "tránh lạm dụng quỹ". Tài liệu kiểm tra cũng bất hợp lý. Việc kiểm tra nhiều lần cũng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp", đại diện công ty cho hay.
Ông Nguyễn Quốc Thanh cho biết: "Vấn đề như công ty đề cập kiểm tra 4 lần trong năm là không được, nguyên tắc là kiểm tra 1 lần cho tất cả các trường hợp".
Ông Thanh cho hay sẽ có buổi làm việc trực tiếp với công ty để xem xét hồ sơ cụ thể, để giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp thỏa đáng.
Theo quy định của luật BHXH, điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Theo Quyết định 166/2019 của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam về quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH có quy định: "Căn cứ vào cơ sở dữ liệu giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản đang quản lý; dữ liệu thu, chi quỹ ốm đau, thai sản; dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh, giám định y khoa; dữ liệu về quản lý dân cư (nếu có), rà soát, đối chiếu, phân tích dữ liệu để xác định các trường hợp có biểu hiện lạm dụng quỹ BHXH, lập danh sách các đơn vị sử dụng lao động, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau, thai sản trên địa bàn đề nghị kiểm tra chuyển bộ phận thanh tra - kiểm tra".
Bình luận (0)