Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhiều doanh nghiệp trong ngành đã phản ánh hàng loạt chi phí đều tăng vọt. Cụ thể, chỉ những ngày đầu năm, cước tàu đi EU đã tăng từ 145 - 276% (tùy theo cảng). Chẳng hạn trong tháng 12.2020, giá cước cảng chính là 2.850 USD/container thì hiện đã tăng lên 7.000 USD/container (tăng 145%) và một số hãng tăng từ 2.800 USD/container lên 10.550 USD/container (tăng 276%). Tương tự, giá cước tàu biển đi các cảng bờ Tây nước Mỹ tăng 14%, từ 3.500 USD/container vào tháng 12.2020 tăng lên 4.000 USD/container; đi bờ Đông tăng từ 4.900 USD/container lên 5.600 - 5.850 USD/container; giá cước tàu đi Nhật Bản cũng tăng từ 50 - 10 USD/container.
Đồng thời, ngay tại thị trường trong nước, các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho hoạt động của các nhà máy thủy sản cũng tăng từ 8 - 25%. Ví dụ như găng tay cao su, nhựa tăng từ 8 - 9% so với tháng 12.2020; băng keo tăng 15%; bao bì đóng gói tăng từ 7 - 9,8%; sản phẩm dầu nành tăng 9% (sau khi giá đã tăng 10% trong tháng 12.2020). Hay một số mặt hàng hóa chất vuông tôm như clorine trong vòng 3 tháng (từ tháng 8.2020 - tháng 1.2021) tăng 3,6%, từ 1.230 USD/tấn lên 1.274 USD/tấn; Một số sản phẩm khác như calcium chloride tăng 20%; magie clorua tăng 25%; oxy viên tăng gần 10%...
Ngoài ra trong cuối năm 2020, đề án thu phí sử dụng công trình khu vực cửa khẩu, cảng biển đã được thông qua, tuy mức phí không lớn nhưng lại có tác động dây chuyền rất lớn tới các doanh nghiệp về mọi mặt. Các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, logistic có cớ đua nhau “thổi” giá mà việc tăng phí tàu biển cũng là một trong những phản ứng mang tính domino này.
Theo VASEP, dịch Covid-19 vẫn còn đang ảnh hưởng nặng nề tới nhiều nền kinh tế lớn, doanh nghiệp thủy sản cũng đang cố gắng duy trì việc làm cho hàng ngàn lao động tại các nhà máy. Nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường lớn đầu năm nay vẫn còn bấp bênh, nhiều nhà máy đã giảm công suất đáng kể. Vì vậy những chi phí sản xuất đang đội lên khiến cho các doanh nghiệp càng thêm khó khăn.
Bình luận (0)