Doanh nghiệp đang 'ngợp' trước 'rừng' thông tin chuyển đổi xanh

05/07/2024 17:00 GMT+7

Theo bà Trần Tường Vân, Giám đốc tư vấn, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang bị ngợp trước 'rừng' thông tin về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, không biết cần làm gì.

Chia sẻ tại tọa đàm "Khơi thông nguồn tín dụng xanh" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 5.7, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên Trần Việt Hưng nhận định, tăng trưởng xanh và số hóa đang trở thành xu hướng tất yếu với bất cứ quốc gia nào muốn đạt được sự phát triển bền vững, thịnh vượng. 

Doanh nghiệp đang 'ngợp' trước 'rừng' thông tin chuyển đổi xanh- Ảnh 1.

Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên Trần Việt Hưng tặng hoa các khách mời tại tọa đàm

TUẤN MINH

Trong đó, các vấn đề như bảo vệ môi trường, giảm khí thải carbon, chống biến đổi khí hậu… được đặt lên hàng đầu. Và tín dụng xanh là một trong những trụ cột tài chính vô cùng quan trọng để hướng tới mục tiêu đó. 

Nguồn vốn tín dụng xanh sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, giảm chi phí giá thành, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, khi dòng vốn này được khơi thông, sẽ chảy mạnh mẽ hơn trong nền kinh tế, đến được với nhiều khách hàng, giúp “xanh hóa” thói quen, hành vi cũ.

Từ nhận thức đó, với vai trò của một cơ quan báo chí thuộc T.Ư Đoàn, Báo Thanh Niên đặt mục tiêu tiên phong trong việc góp phần “xanh hóa” lối sống, xanh hóa sản xuất kinh doanh, thay đổi nhận thức của người dân. 

Theo bà Trần Tường Vân, Giám đốc tư vấn, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam, ngân hàng đang rất sẵn sàng cho vay xanh và rất muốn tìm kiếm khách hàng phù hợp. Do đó, để tiếp cận nguồn vốn xanh, doanh nghiệp cần chủ động tìm ra cách thức kinh doanh để tăng hiệu quả và tìm các nguồn vốn cũng như nâng cao điểm thực hành phát triển bền vững. 

Cụ thể, theo chuyên gia EY Việt Nam, về mặt quản trị, doanh nghiệp cần xem lại cơ cấu tổ chức, minh bạch nhất có thể. Về môi trường, cần xem lại cách thức sản xuất, vận hành theo hướng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng. Về mặt xã hội, các yếu tố xã hội sẽ tác động tới các doanh nghiệp khác nhau, do đó đâu là yếu tố ảnh hưởng mạnh hơn cần ưu tiên hơn.

Bà Vân cũng khuyên các doanh nghiệp cần xem xét các chứng chỉ phù hợp với lĩnh vực ngành hàng. Ví dụ như dệt may, có thể cố gắng đạt được chứng chỉ tiêu chuẩn tái chế toàn cầu, hay nông nghiệp chứng chỉ Global Gap. Các ngân hàng có thể sẽ xem xét các mức lãi suất thấp hơn cho các doanh nghiệp đạt chứng chỉ so với các doanh nghiệp “trắng” về mặt chứng chỉ phát triển bền vững.

Doanh nghiệp đang 'ngợp' trước 'rừng' thông tin chuyển đổi xanh- Ảnh 2.

Ông Võ Văn Quang, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối Đầu tư Bắc Á Bank

TUẤN MINH

Ông Võ Văn Quang, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối Đầu tư Bắc Á Bank, đề xuất doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư dự án xanh. Từ kinh nghiệm triển khai tín dụng xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lãnh đạo Bắc Á Bank bày tỏ mong muốn ngày càng có nhiều chính sách, làm sao để có nhiều nguồn vốn ưu đãi cho các ngân hàng thương mại để cho vay các dự án xanh.

"Các doanh nghiệp Việt Nam cần mạnh dạn, nắm bắt cơ hội để đầu tư vào các dự án xanh vì không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà mang lại lợi ích cho người dân, xã hội. Ngân hàng Bắc Á cam kết luôn đồng hành với các doanh nghiệp đầu tư vào dự án xanh", ông Quang nói và cho biết sẽ hoàn thiện hơn chính sách, tạo ra không gian cởi mở cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn tín dụng xanh của ngân hàng.

Nhắc câu chuyện thành công của Bắc Á Bank với tăng trưởng xanh, tín dụng xanh, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết đây cũng là mong muốn chung của hệ thống ngân hàng. Ngân hàng và doanh nghiệp hiện rất tiệm cận về nhu cầu tăng trưởng xanh, bền vững, đó là cơ sở để khơi thông nguồn tín dụng xanh.

Cần có bộ hướng dẫn xanh "may đo" cho từng doanh nghiệp

Từ tiếp cận thực tế với các doanh nghiệp, bà Vân cho biết các doanh nghiệp đang rất "ngợp" trước câu chuyện chuyển đổi xanh, tăng trưởng bền vững.

"Giữa một rừng thông tin doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu, nhất là những doanh nghiệp không có nhiều nguồn lực cả nhân sự và tài chính. Nên chăng có cổng thông tin hướng dẫn cho các doanh nghiệp thế nào là xanh, chuyển đổi xanh như thế nào, may đo cho các doanh nghiệp", bà Vân nêu.

Doanh nghiệp đang 'ngợp' trước 'rừng' thông tin chuyển đổi xanh- Ảnh 3.

Các khách mời chia sẻ tại tọa đàm

TUẤN MINH

Đặc biệt, trong đó có tất cả các thông tin cần thiết cho một doanh nghiệp non trẻ nhất chưa biết gì về xanh, để doanh nghiệp biết cần gì và cần phải làm gì. Ví dụ như định hướng của Chính phủ về net zero đến năm 2050, những quy định chính là gì. Hoặc có một bộ câu hỏi để doanh nghiệp tự đánh giá bản thân đang ở đâu và cần làm gì. 

Theo bà Vân, với những ngành khác nhau, những thông tin, hướng dẫn theo ngành rất cần thiết, ví dụ như dệt may, nông nghiệp… Đây là những câu chuyện "nho nhỏ" để doanh nghiệp bắt đầu dựa vào.

"Ngân hàng phải là đơn vị đồng hành cùng doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, hoặc những doanh nghiệp còn đang “nâu” chuyển sang “xanh” như thế nào. Vì bản thân doanh nghiệp xanh thì danh mục tín dụng của ngân hàng mới xanh được", Giám đốc tư vấn, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam chia sẻ.

Doanh nghiệp đang 'ngợp' trước 'rừng' thông tin chuyển đổi xanh- Ảnh 4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.