Doanh nghiệp 'đau đầu' vì quy định dữ liệu trong năm 2019

Thu Thảo
Thu Thảo
12/12/2018 09:42 GMT+7

Theo hãng tư vấn Control Risks, cách thức xử lý dữ liệu và quy định dữ liệu rất khác nhau giữa Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) sẽ khiến giới doanh nghiệp "đau đầu" trong năm 2019.

Ở Trung Quốc, dữ liệu được xem là lợi thế kinh tế và có khả năng cũng là lợi thế chính trị. Dữ liệu cần được bảo vệ và trữ trong nước. Ở châu Âu, quyền riêng tư là vô cùng quan trọng và phải được bảo vệ. Điều này khiến luật mới tên Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) có hiệu lực từ năm nay. Đến Mỹ, việc xem dữ liệu là thứ được thương mại hóa là quan điểm truyền thống, song cách tiếp cận này bị hoài nghi sau vụ bê bối dữ liệu của Facebook và hãng Cambridge Analytica, CEO Control Risks Richard Fenning cho hay.
“Vì vậy bạn có ba khối giao dịch dữ liệu: Châu Âu có GDPR, Trung Quốc theo đuổi chiến lược kinh tế, công nghệ đầy tham vọng và lâu dài, còn Mỹ thì đang điều chỉnh theo thực tế rằng điều mà nước này xem là sân chơi mở hoàn toàn cho giới công nghệ Mỹ thực ra nhỏ hơn nhiều”, ông Fenning nhận định.
Cách tiếp cận khác biệt như trên đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ gặp khó trong việc thu thập, lưu trữ và chuyển dữ liệu trong và giữa ba khu vực kinh tế lớn, Control Risk nhận định trong báo cáo vừa công bố, nêu rõ nhiều thách thức lớn mà giới doanh nghiệp sẽ vấp phải vào năm sau. Phức tạp hóa bối cảnh công nghệ toàn cầu là sự gia tăng của nhiều mối đe dọa an ninh mạng, điều mà giới doanh nghiệp phải xử lý trong lúc điều hướng ở nhiều môi trường pháp lý khác nhau của ba nền kinh tế lớn.
Ngoài chuyện quy định dữ liệu không thống nhất trên toàn cầu, một rủi ro lớn khác mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2019 là căng thẳng ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Hiện hai nước đạt được thỏa thuận “đình chiến tạm thời”, hoãn áp thuế quan lên hàng nhập khẩu của nhau, từ đầu năm sau cho đến ngày 1.3.
Control Risks dự báo hai nước sẽ cứng rắn hơn trong năm sau, khi Mỹ tiếp tục tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Với giới kinh doanh, tình hình mở ra trật tự toàn cầu mới mà họ phải làm quen.
“Có nhiều lực lượng làm việc tại Mỹ muốn thấy sự sắp xếp cơ bản của cán cân thương mại giữa hai nước. Đây không phải chỉ là chuyện thép, nhôm và nông sản, mà còn là chuyện tương lai của cả ngành công nghệ, nước nào sẽ là nước tiên phong kinh tế trong tương lai nền kinh tế được thúc đẩy bởi công nghệ”, ông Fenning nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.