Hàng trăm tỉ đồng chìm dưới vịnh Hạ Long
Bão số 3 đã đi qua gần 1 tháng nhưng công tác trục vớt tàu du lịch vịnh Hạ Long bị chìm, đắm tại khu vực Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu vẫn đang rất khó khăn.
Tại cảng tàu du lịch lớn nhất miền Bắc này vẫn còn hàng chục tàu bị chìm, đắm. Đặc biệt, vào những ngày thủy triều, nhiều tàu còn bị chìm hoàn toàn. Việc tàu bị ngâm dưới nước biển lâu ngày khiến chủ tàu như thể "ngồi trên đống lửa", khi khối tài sản hàng trăm tỉ đồng đang chìm dần. Trong khi đó, ở trên bờ, các doanh nghiệp căng bạt làm lều tạm để nhân viên trông coi.
Ngồi thất thần trên bờ trông coi khối tài sản hàng chục tỉ đồng đang bị chìm dưới vịnh Hạ Long, ông Bùi Văn Tuyên (chủ đội tàu Indochine Hạ Long) cho biết đã hơn 20 ngày qua doanh nghiệp của ông chưa thể trục vớt 4 chiếc tàu bị đắm, chìm dưới vịnh Hạ Long.
Theo ông Tuyên, do các phương tiện cả trên bộ lẫn dưới biển bị thiệt hại quá nhiều, dẫn đến việc các công ty trong lĩnh vực bảo hiểm, trục vớt làm việc hết công suất mà không hết việc. Chưa kể, giá thành trục vớt đang bị đội lên rất cao gây khó khăn cho các chủ tàu du lịch.
"Giá thành các đơn vị đưa ra để trục vớt phương tiện dao động từ 200 - 300 triệu đồng/tàu. Trục vớt xong, các tàu du lịch phải đưa lên bờ để sửa chữa. Việc bị ngâm dưới nước lâu như vậy thì phần nội thất, hệ thống điện coi như đã hỏng hết, buộc phải làm lại", ông Tuyên nói.
Không chỉ ông Tuyên, nhiều doanh nghiệp có phương tiện bị đắm, chìm do bão số 3 đang khó khăn chồng chất mà chưa có phương án tháo gỡ.
Ông Nguyễn Đức Triệu (42 tuổi, trú tại P.Hùng Thắng, TP.Hạ Long) có 3 tàu du lịch bị đắm, chìm do bão số 3. Số tàu sau khi được trục vớt ông Triệu cũng xác định không thể tái sử dụng mà phải đóng mới do đã hư hại hoàn toàn.
Tuy nhiên, khó khăn chưa dừng lại khi những tàu vỏ gỗ chạy trong ngày rất khó được ngân hàng cho vay vốn do thuộc diện phương tiện cần phải thay thế theo quy định của tỉnh Quảng Ninh. Còn nếu cho vay vốn phải mua bảo hiểm thân vỏ. Thế nhưng, sau 3 năm thua lỗ bởi đại dịch Covid-19 thì việc chi trả kinh phí bảo hiểm thân vỏ cho tàu du lịch là rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự chứ không nhiều đơn vị dám bỏ ra số tiền lớn để chi trả bảo hiểm thân vỏ.
Chính quyền vào cuộc tháo gỡ
Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, với sức gió cấp 13 - cấp 14, giật cấp 17, bão số 3 đã làm hư hỏng 269 phương tiện tàu, thuyền hoạt động tại địa bàn; trong đó, 28 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long bị đắm, chìm không thể khôi phục.
Ngay sau bão, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp tiến hành trục vớt, xác định các vị trí tàu bị chìm để cảnh báo cho phương tiện qua lại… đảm bảo an toàn cho các luồng, tuyến giao thông thủy. Đến nay, đã trục vớt được 15/28 tàu; trong đó có 2 tàu ngủ đêm.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo, đề xuất Chính phủ, Bộ GTVT hướng dẫn, bổ sung, mở rộng đối tượng hỗ trợ để các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch có một phần chi phí trục vớt, khắc phục thiệt hại phương tiện thủy bị chìm, đắm do cơn bão số 3.
Đáng chú ý, cuối tháng 9 vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền có đăng ký tại tỉnh Quảng Ninh bị chìm do bão số 3 trên địa bàn.
Mức hỗ trợ chi phí trục vớt là 50 triệu đồng/phương tiện tàu, thuyền đối với phương tiện có chiều dài từ 12 m trở lên, 15 triệu đồng/phương tiện tàu, thuyền đối với phương tiện có chiều dài từ 6 -12 m.
Tỉnh Quảng Ninh không xem xét hỗ trợ đối với các tàu, thuyền đã mua bảo hiểm thân, vỏ tàu; các tàu, thuyền không chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống bão hoặc không thực hiện di chuyển, neo đậu vào đúng vị trí neo đậu, tránh trú bão theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương.
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết bên cạnh các chính sách hỗ trợ về trục vớt phương tiện bị chìm, đắm trên vịnh Hạ Long, tỉnh đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng đề nghị giãn, hoãn các khoản nợ, cho vay mới theo hình thức tín chấp. Các tổ chức tín dụng đang triển khai các bước để hướng dẫn cụ thể cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp cận vốn. Ngoài ra, các đơn vị khác cũng đã thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế theo quy định hiện hành của nhà nước.
Bình luận (0)