Khó khăn được các doanh nghiệp du lịch chia sẻ trong Hội nghị kết nối các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP.HCM do Sở Du lịch cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM tổ chức sáng nay (18.8).
Thế chấp tài sản cá nhân để vay vốn gồng gánh doanh nghiệp
Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt cho biết, du lịch không chỉ là ăn chơi, lữ hành mà bao trùm toàn bộ nền kinh tế gồm nhiều ngành như lưu trú, nhà hàng, hàng không... Vì thế, du lịch có đóng góp lớn cho sự hồi phục và phát triển kinh tế Việt Nam.
Tuy vậy, trong điều kiện cần nguồn lực để tái khởi động, các doanh nghiệp du lịch gặp rất nhiều khó khăn khi tới ngân hàng xin vay vốn. Một số ngân hàng báo hết room, số khác thì lãi cao hoặc điều kiện ràng buộc quá nhiều. Qua 2 năm dịch bệnh, ngành du lịch tê liệt, việc yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh có lãi mới được hưởng chính sách ưu đãi gần như là điều không thể.
"Ngay cả với Ảnh Việt, để được áp dụng Nghị định 31, hưởng 2% chính sách vay ưu đãi cũng phải chịu rất nhiều ràng buộc. Chính phủ, ngân hàng cần có chính sách thông thoáng hơn, cho các doanh nghiệp đảm bảo khoản vay đúng mục đích, đúng nội dung thì sẽ được tiếp cận vốn hỗ trợ. Vốn tài chính là mạch máu của cơ thế, mạch máu gián đoạn thì cơ thể cũng chết" - ông Nguyễn Khoa Luân lo ngại.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc còn vướng nguồn vốn để tái khởi động |
mạnh cường |
Cùng nhận định, bà Phạm Phương Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du Lịch Việt đánh giá ngành du lịch đang đứng trước cơ hội trỗi dậy sau 2 năm ngủ đông, cần thiết được tiếp cận các gói tín dụng. Doanh nghiệp đi vay đương nhiên phải đáp ứng đủ điều kiện tín dụng, song, ngành du lịch đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để chứng minh năng lực tài chính, dòng tiền thì doanh nghiệp sẵn sàng nhưng yêu cầu có tài sản thế chấp lại vô cùng khó khăn.
Theo bà Phương Anh, vay thế chấp khó, vay tín chấp cũng gần như bất khả thi bởi ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh năng lực tài chính thông qua kết quả hoạt động 3 năm vừa qua. Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp du lịch nên đa phần đều không đáp ứng được yêu cầu.
"Dòng tiền của chúng tôi hiện đang rất tốt nhưng gần như vẫn không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Hai năm qua, tôi phải thế chấp tài sản cá nhân, vay gói cá nhân để gồng gánh cho doanh nghiệp. Về cơ bản thì các doanh nghiệp du lịch giờ vẫn phải tự mình tìm cách cứu mình, không thể trông chờ vào các chính sách ưu đãi" - lãnh đạo Du lịch Việt bộc bạch.
Doanh nghiệp muốn vay được tiền đã khổ, các công ty đủ điều tiện tiếp cận vốn ngân hàng rồi cũng chưa thoát khó. Ông Bùi Thế Duy, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, chia sẻ để vay được vốn ngân hàng, Lửa Việt đã phải chuẩn bị từ xa tất cả thủ tục gồm báo cáo tài chính, xác nhận nộp thuế, phương án sử dụng dòng vốn, khả năng trả nợ... Ban đầu, tiến độ giải ngân tốt, đáp ứng cho doanh nghiệp lập tức phục hồi, thậm chí room tín dụng đảm bảo cho kế hoạch doanh thu tăng gấp 3 lần.
Cho tới tháng 6 vừa qua, tiến độ giải ngân bắt đầu chậm lại, yêu cầu 2 - 3 ngày trong khi thực tế ngành du lịch, đặt vé máy bay cũng chỉ trong 24 - 48 giờ là phải thanh toán. Thời gian giải ngân dài hơn, chệch nhịp, doanh nghiệp phải tìm cách thích ứng mới như tăng dự trữ tiền mặt, khiến chi phí vốn tăng lên. Tình trạng này xảy ra đúng đợt cao điểm du lịch hè nên doanh nghiệp càng thêm khó khăn hơn.
Đối tượng nào cũng phải cho vay đúng quy định
Trả lời các doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM cho biết, gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ đã yêu cầu rõ khoản vay của doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh phải thông qua các hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại. Nhóm ngành du lịch thuộc đối tượng cho vay nhưng yếu tố tiên quyết là phải đủ điều kiện vay vốn, được ngân hàng thương mại phê duyệt cho vay. Dù đúng đối tượng nhưng không đủ điều kiện tín dụng thì vẫn không được cho vay.
Ngành du lịch đang tìm kiếm cơ hội để vực dậy sau 2 năm dịch bệnh |
"Doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng cán bộ cho vay nhũng nhiễu, gây khó khăn thì ngân hàng nhà nước sẽ xử lý. Song, nếu doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn thì cần chia sẻ với ngân hàng vì cán bộ ngân hàng nếu du di cho vay là vi phạm quy định pháp luật, vừa dẫn tới nợ xấu, vừa gây hệ quả xấu cho toàn bộ nền kinh tế" - ông Lệnh nhấn mạnh.
Liên quan đến khả năng vay tín chấp, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM khẳng định nguyên tắc tối thượng của ngành ngân hàng là cho vay phải có hoàn trả. Người vay vốn phải có nghĩa vụ hoàn trả cả nợ gốc và lãi. Dựa theo nguyên tắc trên thì cho vay tín chấp còn khó hơn cho vay có tài sản đảm bảo vì ngân hàng sẽ phải đánh giá khả năng chi trả, kết quả tài chính, sổ sách kế toán minh bạch công khai và gần như các doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh cực tốt mới có khả năng được cấp vốn vay tín chấp.
"Doanh nghiệp nào kinh doanh bình thường nhưng nếu có doanh nghiệp chất lượng tốt bảo lãnh và ngân hàng có chính sách chấp nhận thì vẫn có thể vay tín chấp. Hiện nay Chính phủ đang duy trì quỹ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ trương chung là sẽ nâng cao quỹ bảo lãnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn. Ngân hàng trên cơ sở tiếp cận với doanh nghiệp sẽ có tư vấn, giải pháp tháo gỡ cụ thể" - ông Lệnh thông tin.
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, dù ngành du lịch đã ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi tốt nhưng lượng khách quốc tế vốn là nguồn khách đem lại doanh thu lớn vẫn chưa đạt kỳ vọng. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như tình hình chính trị thế giới chưa ổn định, lạm phát kinh tế toàn cầu tăng cao... thì còn nguyên nhân chủ quan là doanh nghiệp du lịch khó khăn tiếp cận vốn vay để tái khởi động, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành vì không có tài sản thế chấp.
"Thông qua các buổi trao đổi, gặp gỡ, Sở Du lịch cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM sẽ ghi nhận phản ánh, khó khăn của doanh nghiệp, từ đó đề xuất các giải pháp để các doanh nghiệp sớm tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, nhanh chóng phục hồi và phát triển" - bà Bùi Thị Ngọc Hiếu nói.
Bình luận (0)