Giá cổ phiếu của một số công ty mía đường liên tục biến động mà nguyên nhân được đánh giá là do các nhà đầu tư nhìn thấy những khó khăn của ngành mía đường trong nước trước thông tin thuế nhập khẩu đường trong nội khối ASEAN sẽ về 0% từ đầu năm 2018.
Áp lực ATIGA liệu có phải là nguyên nhân?
Hiện nay, lộ trình thực hiện tiến trình hội nhập thương mại là vấn đề tất yếu. Mặc dù nông dân tự ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhưng nhiều khâu trồng, thu hoạch chưa được cơ giới hóa, giá lao động cao nên giá thành sản xuất mía của tỉnh khoảng 700.000 đồng/tấn và với giá mua tại nhà máy hiện nay khoảng 1 triệu đồng/tấn nông dân chỉ có lãi 10 - 15 triệu đồng. Do đó, nếu hội nhập so với mía Thái Lan mua tại nhà máy 770.000 đồng/tấn thì doanh nghiệp đường trong nước khó cạnh tranh nổi, khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa và khả năng nông dân trồng mía sẽ không có lãi.
Một thực trạng cho thấy khách hàng có nhu cầu tiêu thụ đường trong nước chờ đường giảm giá theo lộ trình ATIGA khiến các nhà máy đường không bán được đường, mặc dù giá đường đã chạm đáy, chỉ còn 12.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính là các doanh nghiệp sử dụng đường chờ đợi để được mua với giá rẻ khi đầu năm 2018, mặt hàng này sẽ phải thực hiện theo lộ trình ATIGA. Trong khi đó, thông thường vào thời điểm này, các nhà máy bánh kẹo, nước giải khát… sẽ phải tăng cường mua đường nhằm phục vụ sản xuất, chế biến bánh kẹo, hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Thế nhưng, khoảng 300.000 tấn đường đang tồn trong kho và khoảng 10.000 tấn đường mới của một số nhà máy vừa bước vào vụ ép 2017 - 2018 vẫn nằm im trong kho. Điều này đặt nhiều nhà máy sản xuất mía đường trong nước, nhất là các nhà máy công suất nhỏ, có nguy cơ trên bờ vực phá sản bởi sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh nổi với đường trong khu vực, cụ thể là đường Thái Lan. Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, nếu thực hiện ngay cam kết bỏ hạn ngạch thuế quan từ năm 2018 thì đặt ra vấn đề rất hệ trọng đối với ngành mía đường trong nước mà câu chuyện không hẳn là với doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà người thiệt thòi nhất sẽ chính là nông dân.
Hạn chế nhập, tiêu thụ đường nội địa tăng dịp tết
Cũng theo Chủ tịch VSSA, để các nhà máy đường tồn tại, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ không thể giữ giá mua mía từ 900.000 đến 1,1 triệu đồng/tấn như hiện nay. Bởi chi phí nguyên liệu chiếm đến 70 - 80% chi phí sản xuất đường. Nếu các nhà máy tiếp tục không bán được đường thì việc thu mua mía cho nông dân sẽ trở nên càng khó khăn. Nguy cơ này đang hiện hữu rất gần vì vụ ép 2017 - 2018 đã chuẩn bị bắt đầu. Trước tình hình trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho lùi thời gian thực hiện cam kết trong khối ASEAN theo Hiệp định ATIGA đến năm 2022, nếu sớm hơn là năm 2020.
Kể từ cuối năm 2017, giá cổ phiếu một số công ty mía đường bắt đầu tăng trở lại và tăng nhiều phiên liên tục. Nguyên nhân chính là do nhà đầu tư đã nhìn thấy được sự tăng trưởng trở lại trong hoạt động của các doanh nghiệp ngành đường, nhất là trong mùa vụ kinh doanh cao điểm cuối năm. Số liệu của VSSA cho thấy giá bán buôn đường kính trắng trong tháng 12 từ 12.700 - 14.100 đồng/kg, giảm 200 - 300 đồng/kg so tháng trước, giá bán vẫn ở mức thấp nên thời điểm này, doanh nghiệp có thể không ưu tiên nhập khẩu đường từ các nước trong khu vực mà chủ yếu tiêu thụ hàng sản xuất trong nước.
Theo số liệu từ ASSA, tính đến cuối tháng 12.2017, lượng đường tồn kho tại các nhà máy là gần 240.000 tấn, vì thế, theo VSSA, nguồn cung từ tồn kho tháng trước và sản lượng đường sản xuất trong tháng đầu tiên của năm 2018 sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, kể cả để chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ đường của thị trường gia tăng mạnh dịp này.
Bình luận (0)