(TNO) Ngày 22.11, Hội nghị góp ý bổ sung dự thảo Thông tư “Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lí và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện” đã diễn ra tại TP.HCM.
Rơ moóc không thể coi là ô tô
Việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện (dự kiến thực hiện vào ngày 1.1.2013) như dự thảo quy định bị nhiều đại biểu phản đối.
Ông Đinh Nam Dinh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho rằng rơmoóc và sơmi rơmoóc cũng phải đóng phí là vô lý (điều 2 của dự thảo về đối tượng chịu phí). “Hai hình thức này không có động cơ, không tự vận hành được nên không thể coi là ô tô để phải chịu phí”, ông Dinh nói.
|
Chưa kể, theo Công ty TNHH Công Thành (đơn vị có số lượng phương tiện vận tải nhiều nhất nhì tại TP.HCM), như dự thảo quy định, nếu thu phí rơmoóc và sơmi rơmoóc gấp 3 - 4 lần so với đầu kéo, công ty phải nộp 13 tỉ đồng/năm tức là phải tăng cước vận chuyển lên cao trong khi vẫn phải chấp hành pháp lệnh về giá. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho công ty.
“Doanh nghiệp phải ứng tiền, hoặc vay ngân hàng để đóng phí sử dụng đường bộ. Ai sẽ chịu lãi suất này?”, đại diện Công ty Công Thành bức xúc.
Không chạy cũng thu phí
Bên cạnh đó, quy định “nộp phí sử dụng đường bộ theo năm hoặc theo chu kì đăng kiểm của xe” (điều 7 về phương thức thu, nộp phí) cũng là điều bất cập. Cùng một loại phương tiện nhưng xe chạy ít, chạy nhiều đều đóng như nhau là không công bằng.
“Xe đang sửa chữa hoặc bị tạm giữ không thể lưu thông nhưng vẫn phải đóng phí thì quá vô lý”, ông Trương Trí Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.Hải Phòng, nói.
“Chưa kể, việc nộp phí trước cho việc sử dụng sau như thế là một hình thức chiếm dụng vốn của doanh nghiệp”, ông Đinh Nam Dinh bổ sung.
"Đường có tốt lên không?"
Ngoài ra, việc quản lí và sử dụng phí cũng là mối quan tâm lớn của các đại biểu. ông Trần Huy Hiền, Tổng thư ký Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam, nói: “Việc quản lý, sử dụng phí thế nào để tăng cường chất lượng đường bộ lên thì không thấy nói. Đường có tốt lên không? Thời gian vận tải có giảm không? Nếu làm được điều đó, tôi tin rằng mọi doanh nghiệp sẽ ủng hộ”.
Đồng tình với ý kiến đó, bà Lương Phạm Tuyết, Giám đốc Công ty Công Thành, nói: “Chúng tôi sẵn sàng đóng mọi loại phí để bảo trì đường xá. Vấn đề là phải hợp lý”.
Theo điều 8 của dự thảo, nguồn phí thu được sẽ trích 1% cho Trung tâm đăng kiểm, 3% cho Cục Đăng Kiểm (đối với xe ô tô), và 15 - 30% cho địa phương (với mô tô). Theo ông Trần Viết Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng, con số (% trích - PV) đó là quá lớn. “Chưa tính đến sự thất thoát, cuối cùng thì bao nhiêu % phí thu được sẽ dùng để bảo dưỡng đường xá?”, ông nói.
Tổng kết hội nghị, hai vấn đề chính được sự thuận tình của hầu hết các đại biểu đó là: tạm lùi ngày thực hiện thu phí (không thu vào ngày 1.1.2013), và thu phí sử dụng đường bộ qua xăng dầu. Ngoài ra, các đại biểu cũng đồng tình với việc bãi bỏ thu phí rơmoóc. Hội nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS) và báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức. |
Nguyễn Tập
>> Điều chỉnh mức thu phí đường bộ tại 3 trạm cửa ngõ TP.HCM
>> Kiến nghị tăng mức thu phí đường bộ tại TP.HCM
>> Ba phương án thay thế các trạm thu phí đường bộ
>> Thu phí đường bộ trái phép suốt 10 năm
>> Bà Rịa-Vũng Tàu: Tự ý thu phí đường bộ
Bình luận (0)