Sáng 27.6, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2023. Hội nghị có tới 500/3.000 doanh nghiệp trên địa bàn tham dự.
Chủ trì hội nghị có Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng và 3 Phó chủ tịch UBND tỉnh, ngoài ra còn có lãnh đạo của 30 sở ngành, địa phương trong toàn tỉnh có mặt để lắng nghe, trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp.
Rất nhiều vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp ở Quảng Trị quan tâm, tuy nhiên có nhiều ý kiến phản ánh nhất là công tác PCCC.
Ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đức Hiền Quảng Trị cho biết, khoảng 1 năm trở lại đây thường xuyên bị kiểm tra, xử phạt vì những quy định mới của PCCC. Dẫn trường hợp ở địa phương có 1 doanh nghiệp làm thêm mái của nhà băm gỗ dăm tổng đầu tư khoảng 100 triệu đồng, nhưng phương án thiết kế PCCC lại lên tới… 3,4 tỉ đồng. "Nó thực sự quá đắt đỏ, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay", ông Đức nói.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Công ty Đất Thép, cũng than thở rằng muốn đảm bảo PCCC theo quy định mới thì mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra tiền tỉ. "Doanh nghiệp của tôi đang có cơ sở ở Khu công nghiệp Nam Đông Hà. Hiện nay, tỉnh đang có chủ trương về việc di dời khu công nghiệp này. Vậy nếu chúng tôi đầu tư tiền tỉ PCCC thì vừa lo tiền không có, vừa lo nếu sau này dời đi thì làm sao. Chúng tôi mong ngành chức năng nới ra chút cho doanh nghiệp", ông Dũng nói.
Góp vào những phản ánh tại cuộc đối thoại, bà Dương Ánh Hồng, Chủ tịch Hội Doanh nữ tỉnh Quảng Trị cũng phản ánh cho rằng các quy định PCCC làm cho hầu hết doanh nghiệp địa phương "kêu trời". "Quảng Trị phần nhiều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có đơn vị vốn chỉ được 4 tỉ mà làm PCCC mất tới… 2 tỉ đồng thì sao làm được", bà Hồng nói.
Liên quan đến những phản ánh trên, thượng tá Kiều Đức Tính, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho biết thời gian qua trên cả nước có nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng xảy ra, trước những chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã có những tăng cường trong công tác PCCC.
Chia sẻ với những ý kiến của doanh nghiệp nhưng theo thượng tá Tính, đây là những quy định đã được các bộ ngành T.Ư thông qua, trước hết cần phải chấp hành. Các cơ sở muốn đi vào hoạt động phải được nghiệm thu, đảm bảo PCCC. Ông Tính cũng thông tin, dù đã được nhắc nhở nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa khắc phục những thiếu sót trong PCCC.
Với trường hợp làm mái gỗ dăm 100 triệu mà thiết kế PCCC mất 3,4 tỉ đồng, ông Tính giải thích, chế biến gỗ dăm là loại hình có nguy cơ cháy nổ cao, vì thế yêu cầu PCCC cũng phải cao. Tuy nhiên, ông Tính cũng mong các doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ về các quy định PCCC để có trao đổi lại với các đơn vị thiết kế chuyên môn (doanh nghiệp chuyên thiết kế, xây dựng hệ thống PCCC) để nhận báo giá phù hợp, phối hợp với lực lượng công an để giảm các chi phí.
Thượng tá Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh Quảng Trị, nhấn mạnh các quy định về PCCC đã rất rõ qua nhiều văn bản, công trình to nhỏ như thế nào cứ áp vào mà làm theo. "Ở Quảng Trị, chúng tôi phát hiện nhiều cơ sở, công trình sai phạm, theo quy định là phải lập tức đình chỉ nhưng vì điều kiện địa phương khó khăn nên chúng tôi tham mưu cấp trên cho doanh nghiệp hoàn thành việc PCCC trước 31.12.2022. Nhưng hiện nhiều doanh nghiệp không thực hiện", ông nói.
Thượng tá Hoàng cho rằng, trước đây vì tạo điều kiện cho người dân, cho doanh nghiệp nên có lúc lực lượng PCCC thẩm duyệt sai, rồi nghiệm thu sai. Nhưng sau vụ cháy ở Bình Dương, Bộ Công an đã làm chặt, triển khai về địa phương. "Trước đây, doanh nghiệp chưa làm thì giờ phải làm. Thẩm duyệt như thế nào, nghiệm thu như thế đó để từ này không để xảy ra việc 'xây dựng xong' mới đi xin giấy phép hay việc thẩm duyệt sai nữa", ông nói thêm.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết các bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp về PCCC không chỉ riêng ở Quảng Trị mà còn ở nhiều địa phương khác của cả nước. Có nhiều ý kiến cho rằng trước đây, quy định PCCC lỏng lỏng quá mà giờ siết lại siết quá, chính vì thế Quốc hội cũng đã đưa vấn đề này ra nghị trường để bàn bạc. "Trước mắt, khi chưa có chủ trương mới của trên thì ngành chức năng, lực lượng công an cũng có những chia sẻ với doanh nghiệp, linh động uyển chuyển trong nghiệp vụ để hạn chế những ảnh hưởng trong sản xuất, kinh doanh", ông Đồng đề nghị.
Cần đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao tính chuyên nghiệp ở 2 cửa khẩu quốc tế
Nhóm ý kiến khác cũng được đa phần cộng đồng doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Trị quan tâm liên quan đến cơ sở hạ tầng, tính chuyên nghiệp của 2 cửa khẩu quốc tế La Lay và Lao Bảo. Ông Võ Thái Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị cho biết, hiệp hội nhận nhiều bức xúc của doanh nghiệp về cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của một số cán bộ ở 2 cửa khẩu quốc tế. Trong khi đó, hạ tầng cơ sở ở La Lay và Lao Bảo không đảm bảo, thường xuyên bị ùn ứ, ách tắc giao thông. Liên quan đến những phản ánh này, ông Hồ Sĩ Trị, Cục phó Cục Hải quan Quảng Trị cho biết, trong năm vừa qua lượng phương tiện qua lại, số hàng hóa thông qua 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - La Lay tăng mạnh, thu ngân sách đạt cao, nhưng cơ sở hạ tầng chưa thể đáp ứng nổi. Vì thế, hiện nay, Cục Hải quan Quảng Trị đã có nhiều đề xuất với T.Ư về việc mở thêm các bãi hạ tải, đầu tư thêm cơ sở hạ tầng để phục vụ tốt cho doanh nghiệp.
Bình luận (0)