Doanh nghiệp khó hấp thụ tín dụng là thách thức lớn của ngành ngân hàng

Lê Quân
Lê Quân
22/08/2023 13:59 GMT+7

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đang gặp thách thức lớn là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp rất kém.

Kinh tế đang ở giai đoạn rất khó khăn

Ngày 22.8, Viện Chiến lược Ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội thảo với chủ đề "Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm". Phát biểu tại hội thảo, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết nền kinh tế đang hết sức khó khăn, nhiều trở ngại, thách thức đang gây áp lực lớn với các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp khó hấp thụ tín dụng là thách thức lớn của ngành ngân hàng - Ảnh 1.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ về thách thức của ngành ngân hàng khi doanh nghiệp khó hấp thụ tín dụng

H.G

Cũng theo ông Tú, theo khảo sát năm 2022 của Vietnam Report, 96,1% doanh nghiệp trong nước đang chịu áp lực tăng giá của các yếu tố đầu vào sản xuất; 61,5% gặp khó khăn bởi gián đoạn do "di chứng" của đại dịch Covid-19 gây ra; 53,9% chịu tác động từ đứt gãy chuỗi cung ứng; 48,1% cho rằng sức mua của người tiêu dùng giảm sút, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và 40,4% khó khăn về thiếu nhân lực sản xuất.

Ông Tú cho biết, sang đến năm 2023, tình hình càng trở nên khó khăn hơn, bằng chứng là tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp trong vòng từ năm 2011 đến nay (ngoại trừ năm 2020), khu vực sản xuất liên tục bị thu hẹp trong nhiều tháng, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm cả về số lượng và quy mô vốn trong khi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể tiếp tục tăng.

"Với tình hình hiện nay, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ", ông Tú nói.

Doanh nghiệp khó hấp thụ vốn là thách thức của ngành ngân hàng

Cũng theo ông Tú, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt đối với các bộ, ngành trong việc triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ khá toàn diện, tác động lên cả về phía cung và cầu để hỗ trợ doanh nghiệp. Có thể kể đến các chính sách về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí; hỗ trợ về tài chính và tín dụng; thúc đẩy xuất khẩu, và bảo vệ chuỗi cung ứng... 

Doanh nghiệp khó hấp thụ tín dụng là thách thức lớn của ngành ngân hàng - Ảnh 2.

Đông đảo đại biểu từ các ngân hàng, doanh nghiệp, nhà đầu tư tham dự hội thảo

LÊ QUÂN

Ông Tú cũng cho biết, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, sự an toàn của hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, những nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán… đã góp phần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước phục hồi.

Tuy nhiên, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế và giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành ngân hàng.

Những nỗ lực để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, nhất là trong việc tiếp cận và hấp thụ vốn, đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tình hình kinh tế trong và ngoài nước được dự báo tiếp tục có nhiều bất định, chúng ta sẽ còn phải đối mặt với các khó khăn, thách thức từ nhiều phía, thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản ánh không ít khó khăn. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này cần phải tiếp tục có sự chung tay, đồng sức, đồng lòng, và sự nỗ lực hơn nữa của các bộ, ngành và các chủ thể trong nền kinh tế để giúp cho khu vực doanh nghiệp phục hồi ổn định và tiếp tục phát triển.

Ông Tú đề nghị, hội thảo cần tập trung vào các vấn đề: đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, dự báo triển vọng, nhận diện các khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

Chia sẻ về các giải pháp, chính sách của các bộ, ngành trong thời gian qua và quan điểm về việc triển khai hiệu quả các giải pháp góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Thảo luận, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thách thức, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và hấp thụ vốn, bên cạnh nguồn vốn tín dụng ngân hàng (khai thác ý kiến đa chiều từ các bộ, ngành; tổ chức tín dụng, từ các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu…). Trong đó, tập trung vào các giải pháp cấp thiết, trọng tâm, trọng điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.