Sáng 7.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Chứng khoán, luật Kế toán, luật Kiểm toán độc lập, luật Ngân sách nhà nước, luật Quản lý, sử dụng tài sản công, luật Quản lý thuế và luật Dự trữ quốc gia.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, là làm sao để ngăn chặn hành vi thao túng, giúp thị trường chứng khoán minh bạch và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Phải ngăn chặn các trường hợp như Faros, Sài Gòn - Đại Ninh
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đề cập tới việc dự thảo đề xuất quy định hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng phải có báo cáo kiểm toán vốn điều lệ trong vòng 10 năm tính đến thời điểm đăng ký chào bán số cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Một số ý kiến lo ngại việc này sẽ làm phát sinh thời gian, chi phí, gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Toàn, xác định vốn điều lệ ban đầu của doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng, giúp xác định vốn thực góp và tổng số cổ phần phát hành, giao dịch của doanh nghiệp đó.
Số cổ phần này sẽ được tiếp tục giao dịch trên thị trường thứ cấp. Nếu vốn điều lệ không được xác định chính xác là sự đánh tráo với toàn bộ nhà đầu tư ngay từ đợt mua lần đầu đến các lần mua tiếp theo.
Dẫn chứng cho nhận định của mình, ông Toàn nhắc đến trường hợp Công ty CP Xây dựng FLC Faors có vốn điều lệ ban đầu 1,5 tỉ đồng, chỉ sau 3 năm đã tăng lên 4.300 tỉ đồng, trong đó phần lớn là vốn nâng khống. Vụ án này đã gây hệ lụy rất lớn cho cả thị trường chứng khoán.
Hay như mới đây là vụ án liên quan đến Công ty Sài Gòn - Đại Ninh, ông Nguyễn Cao Trí đã sử dụng một số thủ đoạn để chứng minh vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng.
Phân tích 2 ví dụ nêu trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng thủ đoạn chung của hành vi nâng khống vốn điều lệ là "bơm một số tiền nhất định vào, rút ra, rồi lại bơm vào cho đến khi đạt con số mong muốn".
Để ngăn chặn tình trạng trên, ông Toàn khẳng định đề xuất như dự thảo là hoàn toàn phù hợp. Cần phải có báo cáo kiểm toán vốn điều lệ được thực hiện bởi đơn vị kiểm toán độc lập, giúp thị trường trong sạch và minh bạch hơn. Việc này phát sinh chi phí không quá lớn, nếu bảo doanh nghiệp e ngại để không làm là không hợp lý.
Tuy vậy, để giảm chi phí cho doanh nghiệp, vị đại biểu đề nghị rút ngắn thời gian kiểm toán vốn điều lệ xuống 5 năm, thay vì 10 năm như dự thảo.
Đồng tình với đại biểu Toàn, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định việc phát hành ra công chúng phải được kiểm toán, nhất là vốn điều lệ ban đầu.
Ông Phớc dẫn quy định của luật Doanh nghiệp, theo đó khi thành lập doanh nghiệp có quyền kê khai và tự chịu trách nhiệm về kê khai vốn điều lệ. Điều này dẫn tới trường hợp một doanh nghiệp khi thành lập trên tài khoản không có tiền, trụ sở cũng không có, thế nhưng có thể kê khai vốn điều lệ là 10.000 tỉ đồng, thậm chí là 20.000 tỉ đồng mà "không có ai kiểm tra, kiểm soát".
"Vừa rồi đã xảy ra một số vụ việc và các cơ quan quản lý cũng đã có kiến nghị sửa luật Doanh nghiệp về điều này. Còn về phía luật Chứng khoán, chúng tôi cũng đã siết vấn đề này để đảm bảo tránh vấn đề lợi dụng trên thị trường chứng khoán", ông Phớc nói.
"Bổn cũ soạn lại từ năm 2012, có lẽ rằng rất cũ"
Cùng thảo luận, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai), Ủy viên Ủy ban Tư pháp, đề cập dự thảo luật bổ sung quy định về 5 nhóm hành vi thao túng thị trường chứng khoán bị nghiêm cấm, tương đồng với tội danh thao túng thị trường chứng khoán được quy định tại điều 211 bộ luật Hình sự năm 2015.
Dẫn chủ trương không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế, dân sự, ông Long cho rằng "rất nên cân nhắc" về vấn đề trên. Theo đó, các điều cấm không nên chỉ dựa vào quy định tại bộ luật Hình sự; muốn phòng ngừa sớm, xử lý sớm thì cần quy định rộng hơn so với các yếu tố cấu thành tội phạm. Việc này sẽ tạo điều kiện xử phạt hành chính trước để ngăn chặn ngay, trường hợp căn cứ vào tính chất gây nguy hiểm thì mới xử lý hình sự.
Vẫn theo vị đại biểu đoàn Đồng Nai, 5 nhóm hành vi thao túng thao túng thị trường chứng khoán được nêu tại dự thảo "không có gì mới". Cách hành vi này đã được đề cập tại luật và nghị định cách đây hàng chục năm. Trải qua thời gian dài, với nhiều vụ án về thao túng thị trường chứng khoán bị xử lý cho thấy phương thức thủ đoạn phạm tội đã khác.
"Bây giờ chúng ta lấy bổn cũ soạn lại từ năm 2012 đến bây giờ để đưa vào trong luật này có lẽ rằng rất cũ và không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới", ông Long nói.
Đáng chú ý, vị đại biểu nhận định trong hàng loạt vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng vừa qua, một phần nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội là xuất phát từ lỗ hổng trong hoạt động kiểm toán. Theo đó, các đơn vị kiểm toán đã không xác minh, không xác thực được những hoạt động thực sự của các doanh nghiệp.
Hiện nay, bộ luật Hình sự cũng đang thiếu tội danh liên quan đến xử lý trực tiếp đối với các vi phạm trong các hoạt động kiểm toán độc lập. Ông Long đề xuất rà soát, sửa đổi các hành vi bị cấm, đồng thời là cơ sở nghiên cứu bổ sung các tội danh liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập.
Bình luận (0)