Lao động xin nghỉ vì Covid-19 tăng cao
Mặc dù từ sau tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, Công ty TNHH Dệt Vĩnh Phúc chi nhánh tại Hà Nội đã tham gia nhiều phiên giao dịch việc làm, hội chợ tuyển dụng của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức, thông báo tuyển dụng qua mạng xã hội,… tuyển dụng với mức thu nhập từ 8 - 12 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn chưa đủ để bổ sung vào nguồn nhân lực thiếu hụt.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất phải tuyển bổ sung người do có nhiều lao động là F0 |
T.Văn |
Ông Nguyễn Văn Tám, nhân viên Phòng Tổ chức, tuyển dụng Công ty TNHH dệt Vĩnh Phúc chi nhánh tại Hà Nội, cho biết từ sau tết, do dịch Covid-19 bùng phát, hơn 50% nhân lực công ty là F0 và F1 xin nghỉ ở nhà. Ông Tám chia sẻ: “Chưa năm nào việc tuyển nhân lực lại khó khăn như năm nay. Đầu năm, các đơn hàng xuất sang Nhật, Mỹ, châu Âu nhiều, tình hình sản xuất đang rất căng do dây chuyền sản xuất gần nhau nên khó tránh khỏi lây nhiễm. Sức người có hạn, chúng tôi không thể tăng số giờ làm thêm cho công nhân”.
Theo ông Tám, dự kiến đến hết tháng 3, tình hình F0 nghỉ ở nhà mới bớt căng thẳng, giải pháp trước mắt mà công ty này đang áp dụng là tuyển lao động bổ sung và thuê gia công sản phẩm ở các phân xưởng khác. “Chúng tôi đã báo khách hàng xin giãn tiến độ. Tạm thời F1 cách ly 5 ngày, F0 nếu 7 ngày xét nghiệm âm tính có thể đi làm trở lại”, ông Tám cho hay.
Cũng trong tình cảnh thiếu hụt lao động, bà Nguyễn Thu Hương, nhân viên tuyển dụng của Công ty Cổ phần cơ khí Đông Anh Licogi, cho biết tính từ sau tết, công ty này đã có 252 lao động là F0, số lượng F1 lên đến hàng trăm người. Số lượng lao động là F0, F1 tăng chóng mặt khiến công ty xoay xở trầy trật để tìm lao động.
“Công ty có hơn 6.000 lao động và đang có nhu cầu tuyển thêm hơn 100 người. Số công nhân là F0, F1 thì tăng hàng ngày trong khi đơn hàng không thể trì hoãn. Chúng tôi phải duy trì bằng cách tuyển lao động bổ sung, thực hiện là chia nhân lực theo phân xưởng, huy động nhân lực từ phân xưởng này sang phân xưởng khác”.
Ông Bạch Thăng Long, Phó tổng giám đốc Công ty May 10, cũng cho biết các nhà máy thuộc Tổng công ty có 10 - 40% tổng số lao động là F0. Kế hoạch sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nhà máy phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất ở những nơi có nhiều F0 sang những nơi có ít F0, đồng thời làm việc với đối tác để điều chỉnh thời gian giao hàng.
Theo báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP.Hà Nội, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp. Tính đến trung tuần tháng 3, Hà Nội có hơn 28.897 đoàn viên, người lao động là F0 và hơn 919 doanh nghiệp có đoàn viên, người lao động là F0.
Ông Lê Đình Hùng, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP.Hà Nội, cho hay số công nhân lao động nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh trở thành F0, F1 tăng cao (khoảng 20% tổng số lao động), để đảm bảo tiến độ đơn hàng và ổn định sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp hiện nay phải khắc phục bằng việc đào tạo nhanh, đào tạo gấp lao động. "Có nơi phải tăng ca để đáp ứng tiến độ đơn hàng; nhiều doanh nghiệp phải chuyển đơn hàng tới nhà máy chi nhánh tại các tỉnh, thành phố khác - nơi có đủ nguồn lao động để đảm bảo sản xuất…”, ông Hùng thông tin.
Đề xuất sớm cho F0, F1 đi làm
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH, từ sau tết đến nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi số lao động bị F0 tăng nhanh. Các doanh nghiệp đều phải "giành giật" lao động.
Trước tình hình này, mới đây Bộ Y tế đề xuất cho F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm phòng và F0 không có triệu chứng được đi làm trở lại. Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho F1, F0 đảm bảo khoảng cách, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Ủng hộ phương án Bộ Y tế đưa ra, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, cho rằng: “Để thực hiện quy định về phòng, chống dịch, doanh nghiệp cũng phải xây dựng các biện pháp cụ thể để người lao động là F1 làm việc ở khu vực riêng; hoặc F0 không có triệu chứng sẽ được đi làm việc ở khu vực riêng biệt”.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay hiện nhiều cơ quan, đơn vị, số lao động F0 chiếm tới 30 - 40%, còn F1 gần như 100%.
“Trừ những người nhiễm bệnh ở mức nặng cần phải điều trị, nghỉ làm việc, những người còn đang nhiễm vi rút nhưng sức khỏe vẫn đảm bảo, có thể làm việc được thì nên làm việc online hoặc làm việc ở khu vực cách ly, nếu không sẽ thiếu lực lượng lao động. Nếu không có những giải pháp thích ứng nhanh, không chỉ doanh nghiệp bị ảnh hưởng, hệ thống bảo hiểm cũng sẽ chịu gánh nặng bị áp lực”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, các chính sách hỗ trợ trực tiếp thu hút người lao động như vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ về nhà ở, đào tạo... sẽ được sớm triển khai để thu hút người lao động sớm quay lại thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bình luận (0)