Chống được tình trạng trốn thuế
Theo điểm b khoản 2 điều 14 luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào nêu: "Các hàng hóa, dịch vụ mua vào đều phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ một số trường hợp đặc thù theo quy định của Chính phủ". Còn quy định hiện nay, hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng thì không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để khấu trừ thuế GTGT.
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, cho biết quy định này sẽ kiểm soát được các giao dịch mua bán tốt hơn và sẽ bớt gian lận hơn. Hiện nay, các ngân hàng đã phủ sóng thanh toán không dùng tiền mặt dưới mọi hình thức. Việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý sâu rộng hơn, trong đó có quản lý thuế. Các giao dịch càng minh bạch thì gian lận sẽ càng giảm đi. Ngoài quản lý thuế, các số liệu trong giao dịch còn phục vụ cho các cơ quan chuyên ngành khác.
Tuy nhiên, theo ông Được, trong quy định của luật còn thêm "trừ một số trường hợp đặc thù theo quy định của Chính phủ" nên không phải giao dịch nào cũng áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Phải chờ Chính phủ quyết định trường hợp đặc thù nào và ngưỡng thanh toán không dùng tiền mặt là bao nhiêu mới được đưa vào khấu trừ thuế.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn, các thanh toán giao dịch đều không nên sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, điều này cần phủ sóng và thực hiện một cách đồng bộ; chứ lĩnh vực thuế siết mà các địa phương, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ chưa sẵn sàng thì sẽ khó khăn trong thực hiện. Thực tế hiện nay, người mua hàng thật nhưng gặp khó khăn trong thanh toán. Chẳng hạn như đơn vị xây dựng ở vùng sâu, vùng xa mua nguyên liệu thì họ chuyển khoản kiểu gì? Chưa kể quy định tài khoản chuyển khoản phải là tài khoản của công ty mua hàng, thay vì tài khoản cá nhân mua rồi về công ty thanh toán lại. Trong trường hợp không chuyển khoản được, những chi phí này không được khấu trừ thì coi như DN phải tăng thêm tiền thuế. Do đó, cần có thêm hướng dẫn để có thể thực hiện quy định của luật.
"Khi quy định về thanh toán không dùng tiền mặt thì lượng hóa đơn rủi ro sẽ giảm hơn trước, do đó trách nhiệm về hoàn thuế phải được tăng lên. Công tác đối chiếu chứng từ cũng sẽ tốt hơn, do đó trách nhiệm hoàn thuế phải cao hơn", ông Tú cho hay.
Hoang mang hoàn thuế
Hóa đơn nhiều hơn thì đồng nghĩa với việc hoàn thuế sẽ tăng thêm. Thế nhưng công tác hoàn thuế hiện nay đang ì ạch nên càng khiến các DN thêm lo ngại.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng quy định này chống được việc hoàn thuế gian lận, chống được tình trạng trốn thuế, tuy nhiên không cải thiện tình trạng hoàn thuế nhanh, vì việc cơ quan thuế hoàn thuế nhanh hay chậm hiện nay không phải do vướng luật.
Ông Xoa lo ngại, luật sửa đổi còn thêm một quy định về một trong những điều kiện hoàn thuế GTGT là: "Người bán đã kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định đối với hóa đơn đã xuất cho cơ sở kinh doanh đề nghị hoàn thuế". Nghĩa là không hẳn phụ thuộc vào hình thức thanh toán là tiền mặt hay chuyển khoản, mà người bán có khai thuế và nộp thuế GTGT hay không thì người mua mới được hoàn thuế.
"Vấn đề là người bán đã kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định đối với hóa đơn đã xuất cho cơ sở kinh doanh đề nghị hoàn thuế thì việc xác minh là của cơ quan thuế, chứ người mua không làm được việc này. Việc xác minh sẽ mất nhiều thời gian và không đảm bảo các cơ quan thuế nhận xác minh trả lời đủ, nên việc hoàn thuế cũng sẽ chậm, không chắc đảm bảo hoàn trong 40 ngày nộp hồ sơ hợp lệ", luật sư Trần Xoa phân tích.
Giống như trường hợp Công ty Thép Miền Nam bị chậm hoàn thuế khoảng 200 tỉ đồng trong hơn 2 năm qua vì sau khi xác minh hóa đơn của đơn vị bán hàng trực tiếp (F1), cơ quan thuế xác minh hóa đơn của DN bán hàng cho F1 (là F2) có khai, nộp thuế GTGT không. Do F2 giải thể, bỏ trốn… nên DN thép nói trên cũng không được hoàn thuế.
Theo vị luật sư này, quy định "các hàng hóa, dịch vụ mua vào đều phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt" là quy định người mua, còn quy định người bán phải kê khai và nộp thuế GTGT hàng hóa bán thì người mua mới được hoàn thuế. Nên nếu người bán chưa kê khai, nộp thuế thì cũng không hoàn thuế. Mà muốn kiểm tra việc người bán nộp thuế thì phải xác minh F1, nếu thấy rủi ro phải xác minh tiếp F2, F3 thì cũng như quy định cũ.
"Hiện nay ách tắc việc hoàn thuế không phải do luật và nghị định, thông tư mà do cơ quan thuế tự đưa ra các chỉ tiêu quản lý rủi ro không có trong văn bản quy phạm pháp luật. Những điểm mới vừa nêu trong luật Thuế GTGT 2024 sẽ không cải thiện gì khi cơ quan thuế vẫn tự đưa ra các chỉ tiêu quản lý rủi ro", ông Trần Xoa nói thẳng.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Được nhận xét: Quy định về điều kiện hoàn thuế là người bán đã kê khai, nộp thuế thì mới hoàn thuế. Vậy trong trường hợp người bán chưa kê khai, còn nợ thuế thì không lẽ người mua không được hoàn thuế? Điểm này sẽ gây bất lợi cho người mua hàng hóa trong thời gian tới khi quy định được áp dụng.
"Quy định này chẳng khác nào quýt làm cam chịu. Người mua hàng đã đóng thuế thì sao bắt họ phải chịu trách nhiệm rằng người bán hàng phải kê khai, nộp thuế đầy đủ. Ở đây là trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc thu hồi số tiền thuế mà người mua đã nộp. Quy định này là "khóa" DN trong khâu hoàn thuế nên cần có hướng dẫn cụ thể mới có thể thực hiện, không thì sẽ gây bất cập trong thời gian tới", ông Nguyễn Ngọc Tú cho hay.
Ban hành 17.300 quyết định hoàn thuế hơn 131.882 tỉ đồng
Theo Tổng cục Thuế, toàn quốc có 953.090 DN đang kinh doanh, tăng 3,3% so với thời điểm ngày 31.12.2023. Có 99,93% DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử với số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là 15.166.219 hồ sơ. Lũy kế 11 tháng năm 2024, cơ quan thuế đã ban hành 17.300 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 131.882 tỉ đồng, bằng 77,1% so với dự toán hoàn thuế GTGT năm 2024, bằng 105% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế từ khi triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đến hết tháng 11.2024 đã có 90.321 DN, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, với số lượng hóa đơn điện tử hơn 1,2 tỉ hóa đơn. Lũy kế đến cuối tháng 11, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý ước đạt 11 tỉ hóa đơn, trong đó 2,68 tỉ hóa đơn có mã, hơn 7,22 tỉ hóa đơn không mã, hơn 2,04 triệu hóa đơn theo lần phát sinh và hơn 1,2 tỉ hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Bình luận (0)