Bộ nói do "thẩm quyền"
Giải thích về tình trạng chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), mới đây lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng do một số quy định liên quan về thẩm quyền quyết định hoàn thuế khiến thời gian giải quyết hồ sơ kéo dài. Cụ thể, theo quy định hiện nay, chỉ có cục trưởng cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được quyết định việc hoàn thuế. Nhưng thực tế, việc thu thuế, xử lý hồ sơ thuế được thực hiện không chỉ ở cục thuế mà ở cả các chi cục thuế.
Tương tự, theo quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thuế doanh nghiệp (DN) lớn (Tổng cục Thuế) thì Cục Thuế DN lớn là cơ quan quản lý thuế trực tiếp đối với các DN được Bộ Tài chính phân công quản lý. Nhưng Cục trưởng Cục Thuế DN lớn lại không có thẩm quyền quyết định hoàn thuế nên một số tập đoàn, tổng công ty lớn khi phát sinh hoàn thuế GTGT vẫn phải chuyển về cho các cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư giải quyết.
Song song đó, đối với người nộp thuế do chi cục thuế trực tiếp quản lý, hồ sơ hoàn thuế được chi cục thuế tiếp nhận nhưng chi cục trưởng chi cục thuế lại không có thẩm quyền quyết định hoàn thuế. Các chi cục thuế tiếp nhận và giải quyết một phần công việc, sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ cho cục thuế giải quyết và ban hành quyết định hoàn thuế.
Trước đó, trong thuyết minh hồ sơ dự án 1 luật sửa 7 luật được Bộ Tài chính gửi sang Bộ Tư pháp xin ý kiến thẩm định, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh thực hiện quy định hiện nay dẫn đến phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện hoàn thuế. Thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế thường kéo dài và có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa chi cục thuế và cục thuế. Lý do là người nộp thuế không thuộc cục thuế quản lý nhưng cục trưởng cục thuế lại phải quyết định hoàn thuế. Từ đó, cục thuế phải yêu cầu chi cục thuế giải trình, cung cấp, làm rõ đầy đủ, thông tin, tài liệu nhằm tránh rủi ro cho công chức tại cục thuế.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 điều 76 luật Quản lý thuế như sau: "Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cục trưởng cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, chi cục trưởng chi cục thuế, chi cục trưởng chi cục thuế khu vực quyết định việc hoàn thuế đối với trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế". Việc phân cấp cho các chi cục thuế và chi cục trưởng chi cục thuế có thẩm quyền xem xét, hoàn thuế đối với những hồ sơ chính mình được giao quản lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, rút ngắn thời gian xem xét hoàn thuế, nâng cao trách nhiệm của cấp quản lý thuế trực tiếp người nộp thuế. Điều này cũng đúng với trường hợp Cục trưởng Cục Thuế DN lớn có thẩm quyền hoàn thuế. Từ đó các DN lớn, người nộp thuế khi thực hiện các thủ tục liên quan đến hoàn thuế chỉ cần làm việc với Cục Thuế DN lớn, góp phần rút ngắn thời gian hoàn thuế, giảm bớt thủ tục hành chính.
DN khẳng định nghẽn ở khâu "xác minh hồ sơ"
Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Hiệp hội DN TP.HCM, tình trạng hoàn thuế chậm hiện nay chủ yếu do xác minh hồ sơ kéo dài. Các chi cục thuế muốn "truy" nguồn gốc qua nhiều tầng, từ F0 đến Fn và cả quá trình đó lại chờ các cơ quan liên quan phản hồi nên kéo dài thời gian. Nếu phân quyền ra quyết định hoàn thuế cho các chi cục thuế sẽ giúp các chi cục thuế chủ động hơn trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, cốt lõi của câu chuyện hoàn thuế chậm là các bước yêu cầu xác minh hồ sơ qua nhiều khâu trung gian. Thậm chí cơ quan thuế còn yêu cầu chi tiết xe giao hàng hóa tại kho gồm biển số xe, trọng tải, thông tin cá nhân của tài xế hay xác minh camera hành trình của xe vận tải giao nhận hàng hóa. Để xác minh những việc này thì phải chờ bên giao thông vận tải phản hồi… Nhiều yêu cầu quá chi tiết, liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau đã gây nghẽn cho cả DN lẫn cơ quan quản lý thuế.
Đồng quan điểm, chuyên gia về thuế, luật sư Trần Xoa, phân tích thực tế hầu hết các chi cục thuế là nơi quản lý, tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế của DN. Sau đó chi cục thuế sẽ thực hiện phân loại, kiểm tra hoàn tất hồ sơ mới chuyển lên cục thuế để cục trưởng cục thuế xem xét và ra quyết định hoàn thuế, ký giấy ủy nhiệm chi để trả lại tiền cho DN.
Vì vậy, nếu chi cục trưởng chi cục thuế có thẩm quyền ra quyết định hoàn thuế thì quy trình này sẽ thực hiện tất cả tại một đơn vị. Thế nhưng, "điểm nghẽn" trong quá trình hoàn thuế là quy trình xác minh qua nhiều tầng lớp và các chi cục thuế không thể kiểm tra hoàn tất hồ sơ nên kéo dài thời gian lên đến 2 - 3 năm. Cụ thể, trong khi luật Quản lý thuế không yêu cầu thì những quy định dưới luật đã khiến cho hồ sơ hoàn thuế của DN kéo dài.
Chẳng hạn, quy định xác minh hóa đơn của F1, F2, F3…, xác minh người mua hàng có chính xác không (kể cả xác minh DN ở nước ngoài). Một vấn đề mới phát sinh gần đây đó là cơ quan thuế chuyển qua cơ quan công an xác minh hóa đơn chứng từ của DN đang hoàn thuế có vấn đề gì hay không… Vì việc kiểm tra thực tế, trực tiếp tại DN và các đơn vị liên quan nên dù hồ sơ, thông báo thuế, trao đổi giữa DN với cơ quan thuế đã thực hiện online thì cũng kéo dài.
Chính vì vậy, nếu chi cục trưởng chi cục thuế có thẩm quyền ra quyết định hoàn thuế nhưng hồ sơ vẫn phải chờ đó để xác minh thì cũng không thể nhanh hơn. Điều quan trọng nhất ở đây, theo ông Trần Xoa, là các quy định cần được sửa đổi, bổ sung làm sao để có thể giải quyết được tình trạng chậm hoàn thuế, gây ách tắc như thời gian qua. Luật Quản lý thuế quy định rõ các điều kiện để được hoàn thuế GTGT; thời gian hoàn thuế, cũng như trường hợp nào được hoàn thuế trước - kiểm tra sau.
"Việc sửa đổi, phân cấp cho các chi cục thuế và chi cục trưởng chi cục thuế có thẩm quyền xem xét, hoàn thuế là phù hợp. Nhưng quan trọng nhất để thực hiện hoàn thuế GTGT kịp thời cho các DN phải được các cơ quan quản lý thuế làm theo đúng quy định, thậm chí hỗ trợ cho DN hoàn trước kiểm tra sau thì mới đúng tinh thần hỗ trợ, đồng hành với DN mà Chính phủ đã đặt ra từ nhiều năm qua. Bởi tình trạng chậm hoàn thuế kéo dài là rào cản lớn khiến cho DN thiếu vốn, phải thu hẹp hoạt động, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người lao động và phát triển của kinh tế cả nước", luật sư Trần Xoa nhấn mạnh.
Bình luận (0)