Xi măng tồn kho, giá sắt thép lao dốc
Theo Hiệp hội Xi măng VN, sản lượng tiêu thụ 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt khoảng 49 triệu tấn, giảm khoảng 9,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tiêu thụ trong nước đạt 32 triệu tấn, giảm 2,5%, còn xuất khẩu đạt 17 triệu tấn, giảm đến 19% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tồn kho cả nước gần 6 triệu tấn, tương đương từ 25 - 30 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm làm ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế |
Quế Hà |
Sở dĩ tiêu thụ xi măng nội địa thấp vì tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm chỉ ở mức thấp, ước đạt 28% kế hoạch. Đầu tư ít, giải ngân vốn chậm đã tác động không nhỏ tới các ngành sản xuất vật liệu xây dựng nói chung và ngành xi măng nói riêng.
Một nguyên nhân nữa là giá xi măng cùng các mặt hàng vật liệu xây dựng tăng cao, tiêu thụ giảm khiến hàng tồn kho xi măng của các nhà máy sản xuất đang trong tình trạng báo động. “Khó khăn về đầu ra, nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành đang tính đến chuyện cắt giảm công suất, đóng cửa nhà máy, đặc biệt với các dây chuyền sản xuất cũ”, Hiệp hội Xi măng cho biết. Một số DN ngành này tiết lộ, dù chưa chính thức công bố nhưng để giảm lượng hàng tồn kho đã phải tăng mức chiết khấu cho các đại lý.
Tương tự, Hiệp hội Thép VN (VSA) thông tin, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm liên tục từ cuối tháng 4 đến nay khiến thị trường thép xây dựng chững lại và liên tục điều chỉnh giảm giá để tăng tính cạnh tranh trên thị trường, gia tăng sản lượng bán hàng nhằm đảm bảo ổn định doanh thu. Ngày 8.8, các nhà máy sản xuất thép tiếp tục thông báo hạ giá sản phẩm với mức giảm cao nhất lên đến 1,31 triệu đồng/tấn. Như vậy, chỉ tính từ giữa tháng 5 đến nay, giá thép trên thị trường giảm 13 lần liên tiếp. Hiện giá mặt hàng này dao động trong khoảng 14,7 - 16,3 triệu đồng/tấn tùy từng thương hiệu và loại thép. Nhưng đà giảm chưa dừng ở đây. Dự báo, giá thép sẽ tiếp tục giảm vì giai đoạn từ nay đến tháng 9 là thời điểm mưa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình xây dựng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đang gặp khó khăn về vốn cũng kéo giảm nhu cầu tiêu thụ thép.
Giá sụt giảm, tiêu thụ khó khăn đã làm cho các DN gặp khó, lợi nhuận giảm mạnh. Có thể kể đến một số trường hợp như: Công ty CP gang thép Cao Bằng và CTCP gang thép Thái Nguyên cùng công bố kết quả kinh doanh quý 2 với lợi nhuận sụt giảm tới 90%. Lũy kế 6 tháng 2022, doanh thu thuần của Gang thép Cao Bằng giảm gần 14%, lợi nhuận sau thuế cũng giảm 80%, còn 43 tỉ đồng. Hay như Công ty cổ phần thép Thủ Đức lũy kế trong 6 tháng đầu năm doanh thu giảm 11,5% và lợi nhuận sau thuế giảm 87% so với cùng kỳ.
Công nợ, tư nợ... nhà thầu kiệt quệ
Bất động sản và xây dựng là lĩnh vực có dòng vốn lớn. Tuy nhiên, hiện tại thị trường bất động sản trầm lắng trong khi vốn vay ngân hàng rất hạn chế. Chính vì vậy, tình trạng nợ đọng, chiếm dụng vốn xảy ra phổ biến trong lĩnh vực này. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), cho biết cả nước hiện có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp nhà thầu xây dựng, trong đó khoảng 90% quy mô vốn đăng ký trên dưới 100 tỉ đồng. Đại đa số là các DN nhỏ, dòng tiền để hoạt động chủ yếu là nguồn tạm ứng từ chủ đầu tư và vay ngân hàng. Nhưng thời gian qua, DN ngành xây dựng phải đối mặt với tình trạng nợ đọng rất trầm trọng. DN càng lớn bị nợ đọng càng nhiều, tỷ lệ phổ biến đến 20 - 40% giá trị vốn đăng ký. Xét về con số tuyệt đối, có DN lớn bị nợ đến vài ngàn tỉ đồng.
Đáng nói, nợ đọng xảy ra cả với chủ dự án tư nhân và các công trình đầu tư công. Với công trình vốn đầu tư công, các khoản nợ này chủ yếu từ các công trình đã kết thúc 2 - 3 năm trước nhưng chưa quyết toán và thanh toán được do có phát sinh hoặc do hồ sơ thanh toán chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Với các công trình tư nhân, nợ đọng ở khoảng 20 - 25% giá trị khối lượng cuối của dự án. Cá biệt, có những dự án đã đưa vào sử dụng vài năm nhưng chưa quyết toán được. Nhiều chủ đầu tư bất động sản không bán được hàng còn trả bằng sản phẩm như căn hộ, biệt thự. “Nếu không nhận sản phẩm thì không biết khi nào mới thu hồi được nợ, nên DN xây dựng đành chấp nhận”, ông Dương Văn Cận, Phó chủ tịch VACC, cho biết thêm.
Đẩy nhanh phân bổ ngân sách
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nhận định: Tính đến ngày 10.8, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 34,5%. Ngân sách của năm 2022 được phê duyệt từ cuối năm 2021 nhưng vẫn chưa phân bổ xong. Đây là điểm nghẽn mà nền kinh tế vướng phải trong năm 2022. Trong khi đầu tư công năm nay được xác định là đòn bẩy để kinh tế phục hồi. Chính vì vậy mà vừa qua, Chính phủ và Quốc hội phải lên tiếng yêu cầu đẩy nhanh phân bổ ngân sách. Việc giải ngân chậm đã làm cho cầu tiêu dùng chậm lại ở nhiều ngành sản xuất, ảnh hưởng đến kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid cũng như kế hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Khốn khổ vì nợ, không ít nhà thầu thà từ chối nhận công trình. Một số nhà thầu thì ngại lên tiếng vì “nói chi tiết sợ mất uy tín với đối tác lại càng khó thu hồi nợ cũng như ngân hàng không cho vay tiếp”. “Nếu nhà thầu kiện, sẽ bị mang tiếng, khó trúng thầu trong các công trình sau đó, dễ đi đến tình trạng thiếu việc làm. Mà nếu được xử thắng thì việc đảm bảo thi hành án thế nào cũng là điều đáng băn khoăn”, ông Cận lý giải thế khó của các nhà thầu.
Để giải quyết bài toán nợ đọng, VACC kiến nghị: Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát lại các chủ đầu tư vốn ngân sách để thống kê chính xác số lượng nợ tồn xây dựng trong các năm trước, báo cáo Thủ tướng phương án cắt hết các nợ dồn, giải quyết dứt điểm cho các nhà thầu. Đối với vốn đầu tư ngoài ngân sách, cần có chế tài yêu cầu chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng cho 20% vốn thanh toán cuối dự án, khi dự án kết thúc để đảm bảo sự bình đẳng cho các nhà thầu với chủ đầu tư.
TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nêu thêm ý kiến: “Một số công việc định mức đã trở nên lạc hậu, không cập nhật kịp thời với giá thực tế nên dẫn tới những khó khăn cho các nhà thầu. Chính vì vậy mà các bộ ngành, địa phương cần sớm điều chỉnh dự toán, đơn giá định mức để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư công”.
Bình luận (0)