Doanh nghiệp mòn mỏi chờ đợi sửa đổi quy định quản lý thuế

Mai Phương
Mai Phương
09/11/2023 06:31 GMT+7

Từ giữa tháng 7, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định số 132/2020 nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất liên quan đến quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết.

Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đã giao theo Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ. Thế nhưng hiện đã gần hết năm 2023 và các doanh nghiệp (DN) vẫn đang ngóng chờ kết quả thực hiện.

Doanh nghiệp mòn mỏi chờ đợi sửa đổi quy định quản lý thuế - Ảnh 1.

Doanh nghiệp bị khống chế tỷ lệ chi phí lãi vay khi có giao dịch liên kết

NHẬT THỊNH

Khống chế tỷ lệ lãi vay dưới 30% tổng lợi nhuận thuần

Theo Nghị định số 132/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với các công ty có giao dịch liên kết, chi phí lãi vay không được vượt mức 30% tổng lợi nhuận thuần cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế. Nếu vượt thì khoản lãi vay đó không được tính vào chi phí hoạt động của DN. Tuy nhiên, quy định này đã không còn phù hợp với tình hình thực tế của VN. Đặc biệt, thời gian qua lãi vay tăng vọt lên gần gấp đôi so với thời điểm ban hành quy định khiến DN càng gặp nhiều khó khăn.

Giám đốc một DN bán lẻ tại TP.HCM đặt trường hợp công ty có phát sinh lãi vay trong nội bộ từ công ty liên quan chỉ khoảng 100 triệu đồng trong khi có số vay lên mức cả 10 tỉ đồng ở ngân hàng (NH) thì vẫn bị quy chung về trần chi phí lãi vay ở mức 30%. Bị siết tỷ lệ chi phí lãi vay khiến DN không dám gia tăng vay vốn cho hoạt động, có thời điểm phải co cụm. Việc tính chung như trên là không hợp lý trong quá trình hoạt động của nhiều DN nói chung, mang tính tận thu của cơ quan quản lý thuế. Thậm chí, có lúc DN chỉ vay vốn từ chính NH với chi phí lãi vay cao, không có bất kỳ giao dịch liên kết nào nhưng DN vẫn bị loại trừ khoản chi phí này là quá vô lý. Bởi phía cơ quan thuế đã trích dẫn quy định tại điểm d khoản 2 điều 5 Nghị định số 132/2020 và cho rằng các giao dịch phát sinh giữa DN và NH vẫn được xác định là giao dịch liên kết.

Hay đối với Phúc Sinh Group có 6 công ty thành viên, việc phát sinh các giao dịch liên kết trong kỳ là bình thường. Thế nhưng chiếu theo quy định trên, mỗi năm công ty cũng phải đóng thuế thu nhập DN thêm gần chục tỉ đồng do một số khoản chi phí lãi vay bị loại trừ. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Group, cho rằng lãi suất của các NH trong gần 2 năm qua đã tăng rất mạnh, có thời điểm tăng gần gấp đôi so với trước đó. Trong khi hoạt động kinh doanh khó khăn, lợi nhuận lại sụt giảm thì tỷ lệ lãi vay càng chiếm tỷ trọng cao hơn trước. Đó là chưa kể có nhiều đơn vị cùng lĩnh vực kinh doanh nông sản chỉ hòa vốn hay thua lỗ thì việc khống chế chi phí lãi vay sẽ càng lỗ nặng hơn. 

"Các DN trong nước dù có phát sinh giao dịch liên kết, vay vốn nội bộ tập đoàn lẫn nhau nhưng làm sao chuyển giá được vì đều phải đóng cùng thuế suất thuế thu nhập DN 20%. Thông thường việc chuyển giá chỉ dễ thực hiện khi các tập đoàn đa quốc gia để chuyển sang các nước, vùng lãnh thổ có mức thuế thu nhập DN thấp hơn VN. Ví dụ như có thể chuyển sang đơn vị ở một quốc gia nào mà thuế chỉ đóng 5 - 10% thì mới hưởng được phần chênh lệch đóng thuế thấp. Còn nếu toàn bộ công ty VN, hoạt động ngay tại VN thì làm sao chuyển giá được?", ông Phan Minh Thông nêu vấn đề.

Doanh nghiệp mòn mỏi chờ đợi sửa đổi quy định quản lý thuế - Ảnh 2.

Nghị định 132 siết quản lý thuế khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó

ĐÀO NGỌC THẠCH

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, cho rằng quy định khống chế trần chi phí lãi vay như trên là "bóp nghẹt" DN trong nước. Trong vòng 3 năm qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, các DN đã bắt đầu khó khăn, cộng thêm kinh tế thế giới đi xuống khiến các công ty liên tục thua lỗ và đang cố gắng hồi phục. Nếu như quy định này vẫn kéo dài thì ngay khi vừa được hồi sinh, DN đã phải đóng thuế nhiều hơn nên càng thêm "còi cọc". Còn nếu tuân thủ đúng quy định thì DN phải hạn chế vay vốn, khó mở rộng hoạt động kinh doanh.

"Nín thở" chờ Bộ Tài chính

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc khống chế tỷ lệ trần lãi vay chỉ có thể áp dụng cho DN nước ngoài để chống chuyển giá khi các công ty con vay từ công ty mẹ để khai khống chi phí. Trong khi đó, DN của VN đều chủ yếu dựa vào vốn vay NH. Đồng thời, DN trong nước cũng khó có việc chuyển giá. Ngoài ra, đặc điểm của hầu hết DN Việt là vừa và nhỏ nên sử dụng vốn vay nhiều. Từ đó chi phí lãi vay cũng sẽ ở mức rất cao. Nhu cầu về vốn trong quá trình hoạt động kinh doanh sẽ phụ thuộc vào từng DN ở mỗi ngành nghề khác nhau. Việc khống chế tỷ lệ lãi vay là đồng nghĩa với việc siết chặt, không khuyến khích DN vay vốn để mở rộng đầu tư kinh doanh. Hơn nữa, việc gộp cả chi phí lãi vay NH vào tổng mức chi phí lãi vay của các DN có giao dịch liên kết là hết sức vô lý. Bởi luật Thuế thu nhập DN hiện hành vẫn cho phép các công ty được vay vốn NH và tính lãi vay vào chi phí hoạt động. 

"Nếu để thực hiện chống chuyển giá thì cơ quan thuế có thể nghiên cứu để tách riêng khối DN có vốn đầu tư nước ngoài với DN trong nước. Đồng thời khống chế về quy định lãi suất cho vay giữa các đơn vị có giao dịch liên kết", ông Hiếu nói.

Phân tích kỹ hơn, luật sư Trần Xoa - chuyên gia về thuế - nhấn mạnh quy định khống chế lãi vay được các nước áp dụng khi đặc điểm của DN nước ngoài là có nhiều tiền, vay ít và lãi suất vay rất thấp, điều kiện vay dễ dàng. Trong khi đó, DN trong nước thì hoàn toàn ngược lại là vốn ít nên phải sử dụng vốn vay nhiều. Đồng thời, lãi suất vay vốn từ NH của VN luôn cao nên chi phí lãi vay là một khoản tiền rất lớn đối với các DN. Như vậy, Nghị định 132 "đánh" vào chi phí lãi vay là đánh vào nhược điểm của DN trong nước và khiến tất cả công ty nhà nước hay tư nhân đều bị "vạ lây". 

Hơn nữa, quy định tại điểm d điều 5 Nghị định số 132 nêu: "Một DN bảo lãnh hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay" là rất nặng nề. Bởi mặc dù DN chỉ có vay vốn từ NH, không có giao dịch liên kết với bên khác mà vẫn thuộc diện bị áp dụng trần chi phí lãi vay là quá vô lý.

"Thời gian qua khi tôi đi họp với nhiều DN trong và ngoài nước thì nhiều công ty đều đụng phải trường hợp này. DN tưởng rằng chỉ vay NH khi không có giao dịch liên kết với các đơn vị khác là không thuộc đối tượng bị khống chế chi phí lãi vay. Nhưng thực tế theo giải thích của cơ quan thuế thì dù chỉ vay từ NH nhưng bị rơi vô điều kiện bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu và chiếm 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn là cũng bị khống chế như quy định trên. Bộ Tài chính cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 132 theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Càng để lâu DN trong nước đã khó khăn lại càng khó khăn hơn", luật sư Trần Xoa nói. 

Các DN có hoạt động xuyên biên giới, công ty có vốn đầu tư nước ngoài mới có điều kiện thực hiện hoạt động chuyển giá để hưởng lợi do chênh lệch về thuế suất thuế thu nhập DN. Bản thân các công ty Việt sẽ không thể thực hiện được hoạt động này. Vì vậy cần xem xét sửa đổi nhanh quy định để không gây thêm khó khăn cho DN.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.