Quan điểm được đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nêu ra trong thảo luận tại hội trường Quốc hội về luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp chiều 29.11.
Theo ông Cường, doanh nghiệp nhà nước nắm giữ khối lượng vốn tài sản rất lớn, nhưng hoạt động kém hiệu quả và thua tư nhân. Nguyên nhân do cơ chế quản lý với doanh nghiệp nhà nước hiện nay chặt chẽ, trói buộc. Vốn nhà nước đầu tư bị thất thoát nhưng không kịp thời được phát hiện, hoặc khi phát hiện cũng không rõ trách nhiệm cá nhân.
Đại biểu đoàn Hà Nội đồng tình với sự cần thiết phải sửa căn bản luật để tạo một cơ chế quản lý mới. Mục tiêu vừa tạo cơ chế thông thoáng, vừa quản lý có hiệu quả tiền vốn nhà nước theo nguyên tắc "ở đâu có tiền nhà nước đầu tư thì cũng phải có cơ chế theo dõi, quản lý tiền vốn ở đó".
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng đối tượng áp dụng doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ chưa đáp ứng được yêu cầu, nên cần mở rộng đối tượng để quản lý, giám sát cả doanh nghiệp có vốn đầu tư dưới 50% và doanh nghiệp F2, F3.
Bên cạnh đó, việc xác định trách nhiệm người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là "một nhóm người" là chưa phù hợp, không phát huy được vai trò của người đứng đầu, không xác định được trách nhiệm cá nhân nếu tiền vốn đầu tư vào doanh nghiệp bị thất thoát.
Về phân phối lợi nhuận, theo ông Cường, sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh tốt, có lợi nhuận cao, vì tất cả đều được trích tối đa 3 tháng tiền lương để đưa vào quỹ khen thưởng và phúc lợi.
Nếu doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả nhưng mức tự trả tiền lương cao, không có lợi nhuận để trích quỹ khen thưởng, phúc lợi. Ngược lại, nếu doanh nghiệp tự xác định mức lương thấp, kinh doanh tốt, lợi nhuận nhiều, dù được trích 3 tháng tiền lương để khen thưởng thì thu nhập của người lao động vẫn thấp.
Do vậy, việc phân phối lợi nhuận trước hết phải dành để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được giao như tăng vốn, trích nộp ngân sách, trích lập các quỹ tích luỹ để đầu tư phát triển, trích lập quỹ dự phòng. Phần còn lại mới phân phối tăng thu nhập cho cán bộ quản lý và người lao động được hưởng theo kết quả kinh doanh.
Cân nhắc quy định hạn chế góp vốn
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng quy định doanh nghiệp không được góp vốn cùng công ty con thành lập công ty cổ phần để hạn chế sở hữu chéo. Song sẽ hạn chế điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp đã được thành lập, hoạt động nhiều năm, đã khấu hao thu hồi vốn, có nguồn tiền để thành lập doanh nghiệp.
Vì vậy, cần quy định rõ việc đầu tư này để không hạn chế hoạt động đầu tư kinh doanh với doanh nghiệp có tiềm lực, nguồn lực đầu tư.
Ông Sang đề xuất cần làm rõ hơn số tiền trích lập, điều chuyển số dư của quỹ đầu tư phát triển nhằm phát huy nguồn lực vốn của doanh nghiệp. Đồng thời làm rõ quyền lợi cổ đông, thành viên góp vốn khác khi giải thể doanh nghiệp.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) thì cho rằng cần xây dựng luật trên cơ sở doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm, hạn chế quy định cứng là khung quy định cho loại hình doanh nghiệp nhà nước. Cần đảm bảo phân công rõ trách nhiệm giữa bộ ngành, cơ quan nhà nước và chủ sở hữu, tránh trường hợp phát sinh thêm thủ tục đầu tư…
Cụ thể, ông đề xuất chỉ có 2 hoạt động cần kiểm soát là quy định về bán vốn, bán tài sản và chuyển nhượng vốn. Việc đầu tư vốn vào doanh nghiệp là quy trình kinh doanh bình thường, vì có thể phát sinh thêm thủ tục.
Bổ sung thêm việc theo dõi, đánh giá và kiểm tra, xác định rõ nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn. Do khối lượng nội dung của dự án luật lớn, ông Hiếu cho rằng Chính phủ nên trình lại luật này để xem xét thông qua vào kỳ sau.
Bình luận (0)