Nhiều sản phẩm là hàng giả, giả mạo thương hiệu Nhật Bản được rao bán công khai trên mạng xã hội, các nền tảng thương mại điện tử ở Việt Nam là vấn đề được nhiều doanh nghiệp phản ánh tại Hội thảo bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam - Nhật Bản.
Hội thảo do Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Thanh tra Bộ KH-CN phối hợp với Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) và Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tổ chức chiều 28.2, tại Hà Nội.
Tại hội thảo, đại diện 6 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã phản ánh thực trạng hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ được bán công khai trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử ở Việt Nam.
Đại diện Công ty Kikkoman - doanh nghiệp sản xuất nước tương nổi tiếng tại Nhật Bản, cho biết sản phẩm bị làm giả phổ biến nhất là nước tương chai 1,6 lít. Qua sự giúp đỡ của cơ quan chức năng Việt Nam, doanh nghiệp này phát hiện sản phẩm giả mạo xuất hiện ở các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Các sản phẩm của Kikkoman bán tại Việt Nam đều được sản xuất ở Thái Lan, Singapore. Chính sách của doanh nghiệp này đối với nhà máy tại Trung Quốc là chỉ sản xuất sản phẩm tiêu thụ nội địa, không được xuất khẩu.
"Chúng tôi đã xét nghiệm sản phẩm bị làm giả thì có nhiều chỉ số không đảm bảo chất lượng, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Sản phẩm Kikkoman bán ở Việt Nam mà xuất xứ từ Trung Quốc thì tất cả đều là hàng giả", vị đại diện của Kikkoman cảnh báo.
Đại diện Công ty Panasonic phản ánh, rất nhiều sản phẩm giả mạo thương hiệu này như máy sấy tóc, bình đun nước siêu tốc, pin, ổ cắm điện… được bán công khai trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Doanh nghiệp xác định, Việt Nam là thị trường trọng điểm tiêu dùng sản phẩm của Panasonic nhưng cũng là thị trường trọng điểm phải chống hàng giả, bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng, trong đó tập trung vào hàng điện tử, gia dụng.
Đại diện Công ty Kobuta, chuyên sản xuất máy móc nông nghiệp, máy móc xây dựng, cho biết từ năm 2008, doanh nghiệp này đã mở công ty bán hàng tại Bình Dương, bán chạy nhất là các loại máy nông nghiệp. Trong nhiều năm qua, nhiều loại máy của Kobuta bị "nhái" thiết kế, thương hiệu nên doanh nghiệp phải gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng để can thiệp. Sau đó, các doanh nghiệp có sản phẩm này buộc phải thay đổi mẫu mã. Hiện nay, một số sản phẩm giả mạo được rao bán trên Shopee tại Việt Nam, còn ở Trung Quốc là mạng xã hội Taobao nhưng rất khó để truy ra nguồn gốc, người tiêu dùng khó nhận biết đó là hàng giả.
Hàng giả bán online rất khó phát hiện, xử lý
Chia sẻ với các doanh nghiệp Nhật Bản, bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh thanh tra Bộ KH-CN, khẳng định Việt Nam rất nỗ lực thực thi các quy định quốc tế về phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Nhưng thực tế, hàng giả giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử đang thách thức việc kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm
"Hiện nay, số vụ vi phạm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường điện tử tăng rất nhanh. Các hành vi vi phạm rất tinh vi, cơ quan chức năng cũng khó nhận biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả", bà Quỳnh nói.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường), chia sẻ các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ liên tục thay đổi thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng.
Về phương thức vận chuyển, các đối tượng thường lập kho hàng ở vùng biên giới, sau đó thông qua chuyển phát nhanh đưa vào nội địa tiêu thụ. Các cơ sở sản xuất chia nhỏ công đoạn, khi có khách đặt thì gom lại để lắp ráp, đóng gói. Hiện nay, các đối tượng "xé nhỏ" kho hàng, đưa vào căn hộ chung cư, khu đô thị để "che mắt", đánh lừa lực lượng chức năng…
"Các doanh nghiệp Nhật Bản có sản phẩm bán tại thị trường Việt Nam cần tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin và cử đầu mối đại diện pháp lý để hỗ trợ lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm", ông Lê đề nghị.
Ông Lê cũng cho biết, với Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại đến năm 2025, Việt Nam đã và đang hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử.
Ngoài ra, đề án này có mục tiêu phát triển hạ tầng, cải tiến công nghệ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng, mục tiêu đến 2025 thì 100% các sàn thương mại điện tử lớn phải ký cam kết không kinh doanh hàng giả; không để các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng giả trên hệ thống của mình.
Bình luận (0)