Lăng kính bạn đọc:

Sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm về hàng giả, hàng lậu

Đình Huân
Đình Huân
(tổng hợp)
17/11/2023 06:36 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng cần quy trách nhiệm cho sàn thương mại điện tử thì sẽ quản lý được tình trạng bán hàng nhái, hàng giả, hàng lậu tràn lan như hiện nay trên các nền tảng này.

Như Thanh Niên đã thông tin, phát biểu tại Hội thảo với chủ đề "Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử (TMĐT)" do Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT, Bộ Công thương) tổ chức, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, cho biết trong 2 - 3 năm trở lại đây, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu qua các sàn TMĐT, mạng xã hội là vấn đề rất "nóng". Số vụ vi phạm không ngừng gia tăng, tính chất và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nguy hiểm hơn, nhiều thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh… cũng bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh online, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm về hàng giả, hàng lậu - Ảnh 1.

Kho sản phẩm giả mạo, hàng nhập lậu của hộ kinh doanh T.N.Q (Gia Lai) kinh doanh online bị quản lý thị trường bắt giữ đầu tháng 11

Lưu Quyên

Tổng cục QLTT cũng thường xuyên nhận phản ánh của các đơn vị sở hữu thương hiệu lớn về tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu của họ bày bán công khai trên các sàn TMĐT lớn như Lazada, Shopee, TikTok.

Theo ông Linh, phương thức kinh doanh online, TMĐT phát sinh đơn vị thứ ba là dịch vụ chuyển phát cũng đang lộ ra rất nhiều vấn đề. Khảo sát hiện nay cho thấy 99% công ty chuyển phát đều sống nhờ vào dịch vụ vận chuyển, kinh doanh online, chỉ 1% là dịch vụ thư tín. 

"Theo luật Bưu chính, các công ty chuyển phát này không có trách nhiệm với nguồn gốc hàng hóa. Nhưng ở góc độ quản lý nhà nước của lực lượng công an, QLTT, các công ty chuyển phát đang vô hình trung giúp sức, tiếp tay vào quá trình lưu thông, tiêu thụ hàng cấm, hàng giả, hàng lậu", ông Linh nói.

Thách thức dư luận

Tình trạng bán hàng giả, hàng lậu công khai trên các sàn TMĐT và khi bị khiếu nại còn thách thức khiến nhiều bạn đọc (BĐ) bức xúc. "Tình trạng bán hàng giả, hàng lậu tràn lan, công khai trên các nền tảng TMĐT như đang thách thức dư luận. Rất bức xúc với kiểu bán hàng vô trách nhiệm này", BĐ Dash Jimmy ý kiến.

BĐ Tuan Tran phản ánh: "Ngoài việc người mua hàng ở sàn TMĐT gặp hàng giả, kém chất lượng thì việc bảo hành sản phẩm của shop bán hàng cũng rất phập phù, đa phần thường trả lời loanh quanh, tìm cách chối bỏ trách nhiệm... Cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định chặt chẽ, nhằm vừa thu thuế, ràng buộc trách nhiệm shop bán hàng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng".

Còn BĐ Vu Hien phân tích: "Tôi thường mua hàng trên sàn TMĐT, giá rẻ hơn siêu thị nhiều. Trong đó yếu tố chính là do trốn thuế, cả thuế nhập khẩu lẫn thuế VAT, hoặc tệ hơn là do hàng giả. Các sàn TMĐT phát triển, chủ yếu có lợi cho hàng hóa nhập khẩu trốn được các loại thuế này. Đây là hình thức cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp trong nước, vốn phải đóng thuế đầy đủ từ khâu sản xuất đến phân phối. Thị trường trong nước đang bị cạnh tranh theo cách không lành mạnh. Mong cơ quan chức năng sớm chấn chỉnh".

"Một cách rất đơn giản là buộc tất cả các sàn TMĐT yêu cầu người bán hàng phải nộp một khoản tiền bảo đảm cho sàn TMĐT, và các sàn TMĐT phải nộp khoản tiền bảo đảm này về trung tâm bảo vệ người tiêu dùng hoặc các cơ quan quản lý để đền bù cho người tiêu dùng khi họ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng của sàn TMĐT nào đó. Cứ đánh vào kinh tế họ mới sợ...", BĐ Linh Bui đề nghị.

Sàn TMĐT phải kiểm soát hàng giả, hàng lậu

Theo ông Nguyễn Phương Minh, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực TMĐT cần quy trách nhiệm đối với chủ sàn, chủ website trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng liên thông giữa các bộ, ngành để kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu nhằm phát hiện sớm, đấu tranh ngăn chặn.

Đồng tình quan điểm của ông Minh, BĐ Minh Thắng cho rằng: "Cơ quan quản lý chỉ cần quy trách nhiệm cho sàn TMĐT là sẽ quản lý được tình trạng bán hàng nhái, hàng giả tràn lan như hiện nay".

BĐ N.A ý kiến: "Theo tôi, các sàn TMĐT hoạt động ở Việt Nam chỉ cho các gian hàng đại lý chính hãng của các sản phẩm. Nếu sản phẩm sản xuất ở Việt Nam phải có bản gốc các giấy tờ kiểm định để đưa sản phẩm ra thị trường. Nếu sản xuất ở nước ngoài, muốn bán ở Việt Nam cũng phải có giấy tờ kiểm định do Việt Nam cấp. Việc này sẽ ngăn chặn bán hàng giả, hàng nhái, chống thất thu thuế".

"Yêu cầu các sàn TMĐT phải kiểm soát hàng giả, hàng lậu. Hãy làm như các sàn TMĐT lớn trên thế giới, toàn bộ hàng hóa muốn được bán phải có giấy chứng nhận nguồn gốc hàng, hóa đơn... Không thể để sàn thành nơi tiêu thụ hàng giả, hàng nhái", BĐ Linh Truong nêu quan điểm.

BĐ N.Phong thẳng thắn: "Bằng cách nào cũng được nhưng phải quản lý nguồn gốc hàng hóa, thuế... để tạo ra sự công bằng với các doanh nghiệp cùng ngành và bảo vệ người tiêu dùng".

* Bắt buộc phải xuất hóa đơn đỏ khi xuất hàng trên sàn TMĐT sẽ xử lý được hàng giả, hàng lậu. 

Minh Thanh

* Nên quy định tổ chức hoặc cá nhân muốn bán hàng trên sàn TMĐT cần phải có giấy phép kinh doanh. 

Duc Hai

* Cần lập đội QLTT trên không gian mạng, tiến tới bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh mới được live stream bán hàng. 

Vietroad

* Ở nước ngoài hàng bán online, hàng sale đều phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, tránh tình trạng bát nháo, người bán, người mua cũng an tâm.

Thiện


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.