Đó là điểm đáng lưu ý tại dự thảo mới nhất của luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Quốc hội đang thảo luận tại nghị trường chiều nay, 23.5.
Trình Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay một số ý kiến đại biểu đề nghị tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được hỗ trợ thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức quy định chung cho doanh nghiệp như hiện nay nhưng cần quy định cụ thể về mức thuế và thời hạn hỗ trợ thuế; bổ sung quy định hỗ trợ về thủ tục thuế và chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ hiện chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý nội dung này mà cụ thể về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với DNNVV tại khoản 1 Điều 10 của dự thảo luật. Theo đó, DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dự thảo không quy định cụ thể về mức thuế, đối tượng và thời hạn cụ thể hỗ trợ thuế, thủ tục thuế và chế độ kế toán (giãn tần suất kê khai thuế, mẫu kê khai đơn giản, liên thông tư vấn thuế và đại lý thuế…), mà chỉ tạo cơ sở pháp lý với những nguyên tắc chung để tiếp tục sửa đổi, bổ sung trong các luật liên quan nhằm bảo đảm nguyên tắc thống nhất, đồng bộ trong pháp luật chuyên ngành về thuế, kế toán.
tin liên quan
Tranh luận về vai trò đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
"Theo số liệu thống kê thực tế thì không phải toàn bộ DNNVV mà chỉ có khoảng 50% được hưởng chính sách này. Từ góc độ phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu, việc giảm mức thuế suất thuế TNDN với DNNVV là biện pháp hợp lý để nâng cao năng lực tài chính, khả năng sinh lời của các DNNVV và qua đó nâng cao tính bền vững và mức thu của nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp trong dài hạn", ông Thanh nói.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Pháp…, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho DNNVV cũng được áp dụng.
Bình luận (0)