Chiều 11.7, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử 54 bị cáo trong đại án "chuyến bay giải cứu". Sau khi đại diện Viện KSND TP.Hà Nội hoàn tất công bố bản cáo trạng dài hơn 100 trang, hội đồng xét xử (HĐXX) tiến hành thẩm vấn đối với các bị cáo.
Doanh nghiệp vụ ‘chuyến bay giải cứu’: ‘Tôi bị quát, ép đưa hối lộ ngay phòng họp Bộ Y tế’
Để bảo đảm khách quan, HĐXX yêu cầu cách ly 3 bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Xây dựng Thái Hòa) và Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng thuộc Cục An ninh điều tra, Bộ Công an ).
"Tôi bị ép đưa hối lộ, khó khăn đến cùng cực"
Người đầu tiên được thẩm vấn là bị cáo Đào Minh Dương (Giám đốc Công ty CP Vijasun). Theo cáo buộc của Viện KSND tối cao, từ tháng 10.2021 đến tháng 1.2022, bị cáo Dương đưa hối lộ 8 lần với tổng số tiền hơn 3,5 tỉ đồng.
Khai trước tòa, ông Dương cho biết được cấp phép tổ chức được 17 chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước. Trong đó, chuyến lớn là 350 người, chuyến nhỏ là 180 người.
Quá trình xin cấp phép, ông Dương nộp hồ sơ tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Cục xuất nhập cảnh Bộ Công an, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT.
Chủ tọa Vũ Quang Huy hỏi ông Dương có đưa tiền cho cá nhân nào ở các bộ, ngành hay không. Ngay lập tức, bị cáo này khẳng định "bị ép đưa tiền cho cán bộ tại Bộ Công an và Bộ Y tế", cụ thể là bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) và Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an).
Kể lại việc đưa hối lộ, ông Dương cho hay, khi đến gặp ông Kiên để liên hệ về việc xin cấp phép chuyến bay, ông Kiên thẳng thừng yêu cầu muốn tổ chức phải nộp 150 triệu/chuyến, nếu không nộp thì không được phê duyệt.
"Tại sao phải gặp Kiên?", chủ tọa tiếp tục hỏi. Ông Dương nói, trước đó rất nhiều lần bị Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Vụ Hợp tác quốc tế Bộ GTVT gây khó khăn, ví dụ "ngày mai bay thì hôm nay mới cấp phép".
"Tôi bị đưa vào tình thế vô cùng khó khăn, bị Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan gây khó khăn, ép buộc phải đưa tiền", ông Dương Khai.
Vẫn theo lời bị cáo này, nguyên tắc thuê tàu bay phải đặt cọc trước 30 ngày, số tiền thuê rất lớn, từ 6 - 9 tỉ một chuyến. Việc thông báo sát ngày bay như vậy là rất khó khăn. Chưa kể, người dân muốn về nước phải thuê nơi nghỉ, chuẩn bị trước nhiều ngày, nhưng thực tế ngày mai được về thì hôm nay mới biết. "Các cán bộ ở Cục Lãnh sự lẽ ra phải bảo hộ công dân nhưng lại hành dân", bị cáo này nói.
Xem nhanh 20h ngày 12.7: Đột nhập 'sào huyệt' tẩy trắng bắp chuối bào | Cựu thứ trưởng nhận tiền tỉ ‘cảm ơn’
Đòi hối lộ để có tiền nộp cho sếp
Sau khi bị gây khó, ông Dương đến gặp Phạm Trung Kiên để nói chuyện. Lúc này, Kiên quát, nói phải nộp tiền theo số lượng hành khách, đưa tiền cho Kiên hoặc Vũ Anh Tuấn đều được. Vì vậy, mỗi chuyến bay, ông Dương phải chi cho nhóm này 150 triệu đồng. "Tuấn nói thực ra không cần tiền của tôi, nhưng nếu không đưa thì Tuấn không có tiền đưa cho sếp để ký phê duyệt", ông Dương kể lại.
Kết quả, với việc thực hiện 17 chuyến bay, ông Dương đưa cho Kiên tổng cộng 1,1 tỉ đồng; đưa cho Tuấn tổng cộng 1,6 tỉ. Trong quá trình đưa hối lộ, ông Dương "có trốn tránh nhiều lần, nhưng vẫn bị ép buộc nếu không đưa thì không được phê duyệt".
Ngoài 2 bị cáo Kiên và Tuấn, ông Dương còn liên hệ với bị cáo Vũ Ngọc Minh (cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola) khi tổ chức chuyến bay từ Angola về Việt Nam. Theo lời ông này, khi trao đổi, ông Minh đưa ra 3 điều kiện: thứ nhất là tất cả người về phải cho ông Minh xem danh sách, thứ hai là ông Minh đồng ý với danh sách thì mới được bán vé, thứ ba là mỗi vé phải đưa cho ông Minh 3 triệu. Tổng cộng, ông Dương đã đưa hối lộ cho ông Minh 864 triệu đồng.
Được hội đồng xét xử hỏi về tội danh bị truy tố, ông Dương thừa nhận, và cho biết đến nay đã nộp lại 1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Chỉ tiếp xúc doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ không có cửa
Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, là người phụ trách chung toàn bộ công việc của Cục Lãnh sự, trong đó có việc xét duyệt danh sách các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay.
Khi biết cương vị của bà Lan, nhiều doanh nghiệp đã "đi đêm" với bị cáo này. Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 12.2020 đến tháng 1.2022, cựu nữ Cục trưởng đã nhận hối lộ 32 lần với tổng số tiền 25 tỉ đồng.
Tại bản kết luận điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an nhận định, các cá nhân thuộc Cục Lãnh sự đã không minh bạch về quy trình tiếp nhận hồ sơ, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và thỏa thuận về chi phí đưa hối lộ.
Trên thực tế, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan chỉ lựa chọn các doanh nghiệp do cấp trên chỉ định xuống, do người thân quen nhờ, đã chi tiền trước hoặc hứa hẹn sẽ chi tiền để đưa vào danh sách đề xuất cấp phép chuyến bay. Bị cáo này còn hướng dẫn các doanh nghiệp mượn nhiều pháp nhân khác nhau để được cấp nhiều chuyến bay mà không bị chú ý là doanh nghiệp được Cục Lãnh sự ưu tiên.
Đối với các doanh nghiệp chưa tiếp xúc, thỏa thuận đưa hối lộ, các bị cáo sẽ gây khó dễ bằng việc chỉ cho thực hiện chuyến đầu tiên, các lần tiếp theo phải chờ ý kiến bằng văn bản; tự ý ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp dừng triển khai chuyến bay trong khi đã bán hết vé máy bay và thuê tàu bay, buộc doanh nghiệp đưa tiền hối lộ để được tiếp tục triển khai…
Phanh phui thủ đoạn 500 lần nhận hối lộ trong đại án “chuyến bay giải cứu”
Bình luận (0)