Doanh nghiệp nội lo, ngoại lạc quan

29/01/2012 11:18 GMT+7

Trong khi các doanh nghiệp trong nước kêu khó thì ngược lại, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan về thị trường nhà đất năm 2012

Chưa năm nào doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) TPHCM lại nghỉ Tết dài như năm nay và đa phần cùng hẹn nhau mùng 8 Tết (30-1) mới khai trương. Tuy vậy, bên cạnh những nỗi lo của năm cũ như: ngân hàng siết tín dụng, thanh khoản kém, khách hàng thờ ơ…, đa phần doanh nghiệp vẫn kỳ vọng thị trường sẽ tốt hơn, bởi họ quan niệm năm Thìn chắc chắn làm ăn dễ thở hơn năm Mão.

Tái cơ cấu bất động sản

Cụm từ này hiện đang được khá nhiều doanh nghiệp dùng đến khi diễn tả về chiến lược kinh doanh, hoạt động của đơn vị mình trong năm 2012. Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng trong tình hình khó khăn như hiện nay, cũng như các ngành khác, tái cơ cấu được coi là một trong những yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển.

Không chỉ có thế, muốn tái cơ cấu thành công cần phải chấp nhận thay đổi, biết sắp xếp, tổ chức lại hệ thống, chủ động bố trí lại nguồn nhân lực, cắt giảm chi phí... Ngoài ra, phải điều chỉnh phương hướng kinh doanh, đưa ra các chiến lược phù hợp để thích nghi được với sự thay đổi khắc nghiệt của thị trường BĐS.

 
Với vị trí và giá cả hợp lý, trong một tháng, gần 500 căn hộ tại dự án An Tiến (huyện Nhà Bè - TPHCM) đã bán hết - Ảnh: C.T.V

Chấp nhận bán sản phẩm rẻ, thời gian thanh toán hợp lý là một trong những giải pháp được đề cập nhiều nhất. Biện pháp này sẽ giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trước mắt, xử lý được các dự án đang đình trệ do thiếu vốn, có cơ hội để tái cấu trúc hoạt động đầu tư, cắt giảm nhân sự, chi phí... Đồng thời, tự khơi thông nguồn vốn và giảm áp lực trả nợ cũng như chi phí lãi vay cao ngất như hiện nay, trung bình từ 20%/năm đến 25%/năm.

Một “đại gia” có tiếng trong lĩnh vực BĐS tại TPHCM vào những ngày cuối năm đã tiết lộ sau Tết Nguyên đán, doanh nghiệp của ông sẽ lần đầu tiên tung ra thị trường hơn 300 sản phẩm đất nền tại dự án ở quận 9 (cách hầm Thủ Thiêm 6 km) và hơn 600 căn hộ diện tích trên dưới 80 m2 tại quận Tân Phú với giá cực sốc và tiến độ thanh toán hợp lý, bảo đảm người có nhu cầu ở thật sẽ dễ dàng tiếp cận.    

Cơ hội  cho doanh nghiệp ngoại

Mặc dù tình hình giao dịch BĐS trong nước trầm lắng nhưng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển ở các phân khúc văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ, các khu phức hợp, khu nghỉ dưỡng, nhà ở cho người nước ngoài...

Tại cuộc họp báo mới đây, Tổng Giám đốc điều hành Indochina Capital, ông Peter Ryder, nhấn mạnh khó khăn của các doanh nghiệp BĐS Việt Nam chính là cơ hội để họ tiếp tục phát triển hơn nữa.

Ông Ryder lý giải sức mua của thị trường (đặc biệt là tại TPHCM và Hà Nội) vẫn khá cao, nếu dự án có vị trí tốt, giá tốt… vẫn thu hút khách hàng. Cùng quan điểm trên, ông Park Chun Seon, Chủ tịch Công ty Inpyung Việt Nam (thuộc Tập đoàn Inpyung - Hàn Quốc) - chủ đầu tư dự án Daewoo Cleve (khu đô thị Văn Phú, Hà Đông - Hà Nội), cũng tin rằng sau thời kỳ trầm lắng, thị trường BĐS Việt Nam sẽ phát triển.

Trong khi đó, Công ty Empire Property Investors của Úc mới đây đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong kế hoạch bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư, cung ứng các dịch vụ đầu tư phát triển dự án và quản lý BĐS ra các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ông Jack Trần, Giám đốc Empire Property Investors, cho biết công ty đang nhắm đến hai phân khúc là nhà ở và khách sạn tại khu vực TPHCM. Hiện công ty đang nghiên cứu thị trường và tìm kiếm đối tác để phát triển dự án tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thêm các “ông lớn” mới

Trước đó, Hiệp hội BĐS Á - Mỹ (AREAA) đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác, hỗ trợ phát triển với Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA). Tập đoàn Tama Home (Nhật Bản) cũng chính thức tham gia hoạt động đầu tư BĐS  ở Việt Nam thông qua việc mua lại 20% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà đất Cotec (Cotecland) – thành viên của Cotec Group. Indochina Capital, một trong những quỹ đầu tư BĐS hàng đầu tại Việt Nam, có kết quả đầu tư năm 2011 khá ấn tượng, đạt doanh thu khoảng 40 triệu USD, tăng trưởng khá ở tất cả các dự án bán căn hộ. Vì vậy, mới đây, đại diện của quỹ này đã công bố sẽ tiếp tục triển khai thêm một số dự án trong năm 2012.

Trong báo cáo quý IV/2011, các công ty nghiên cứu thị trường như CBRE hay Savills đều cho biết bên cạnh những nhà đầu tư nước ngoài có nhiều kinh nghiệm đầu tư vào Việt Nam như Hàn Quốc, Mỹ…, năm 2012, sẽ có nhiều quỹ đầu tư mới được hình thành tại thị trường Việt Nam, cùng với sự xuất hiện của vài “ông lớn” mới trong làng địa ốc thế giới đến từ châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Trung Đông.

Việt Nam đứng thứ 4 trong các thị trường mới nổi

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc nghiệp vụ bộ phận đầu tư của Công ty Savills Việt Nam, bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những nơi thu hút đầu tư hàng đầu trong khu vực. Điều này được minh chứng qua việc Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS (AFIRE) đã xếp Việt Nam đứng thứ 4 trong số những thị trường mới nổi về mức độ hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.