Doanh nghiệp phải bồi thường, Nhật Bản triệu tập Đại sứ Hàn Quốc để phản đối

Khánh Như
Khánh Như
22/02/2024 14:17 GMT+7

Tokyo đã triệu tập Đại sứ Hàn Quốc để phản đối việc một công ty Nhật Bản trả tiền bồi thường liên quan vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến.

"Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản hôm 21.2 đã triệu tập Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản Yun Duk-min và đưa ra phản đối mạnh mẽ", theo Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa.

Ông Hayashi cho biết khoản thanh toán "gây bất lợi" cho một công ty Nhật Bản, bởi nó được thực hiện dựa trên phán quyết "vi phạm rõ ràng" thỏa thuận năm 1965, AFP đưa tin.

Cụ thể, gia đình của một nạn nhân Hàn Quốc từng thắng kiện trước công ty đóng tàu Nhật Bản Hitachi Zosen vào tháng 12.2023 đã nhận được tiền từ công ty này trong tuần này.

Doanh nghiệp phải bồi thường, Nhật Bản triệu tập Đại sứ Hàn Quốc để phản đối- Ảnh 1.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa phát biểu tại Tokyo hôm 21.2

AFP

Số tiền này được lấy lại từ khoản tiền đặt cọc do công ty cung cấp cho tòa án ở Seoul, sau khi tòa án cấp cao của Hàn Quốc vào tháng 12.2023 yêu cầu Hitachi Zosen trả 50 triệu won (917 triệu đồng) để bồi thường cho nạn nhân.

Khoản thanh toán gián tiếp đã bị Nhật Bản lên án vì cho rằng tranh chấp lao động cưỡng bức đã được giải quyết trong một hiệp ước năm 1965.

Theo dữ liệu từ Seoul, khoảng 780.000 người Hàn Quốc đã bị Nhật Bản cưỡng bức lao động thời chiến, không bao gồm phụ nữ bị quân đội Nhật Bản ép làm nô lệ tình dục.

Nhật Bản lập luận rằng hiệp ước năm 1965, bao gồm gói bồi thường khoảng 800 triệu USD (19.478 tỉ đồng) dưới dạng tài trợ và các khoản vay giá rẻ, đã vô hiệu hóa quyền khởi kiện của nạn nhân.

Hai nước từ lâu đã rơi vào tranh chấp gay gắt về việc Nhật Bản sử dụng lao động cưỡng bức trong thời gian chiếm đóng kéo dài hàng thập kỷ trên bán đảo Triều Tiên trước và trong Thế chiến II.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói với Yonhap rằng 2 nước tiếp tục duy trì liên lạc chặt chẽ về các vấn đề song phương đang chờ xử lý.

Khi được AFP liên hệ, người phát ngôn của Hitachi Zosen cho biết quan điểm của công ty về vấn đề này "không thay đổi".

Công ty cho rằng phán quyết tháng 12.2023 của tòa án tối cao Hàn Quốc "là vô cùng đáng tiếc vì nó đi ngược lại hiệp ước năm 1965 và chống lại chính phủ Nhật Bản và công ty".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.