Ngay sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra vào ngày 24.2.2022, hàng loạt doanh nghiệp của châu Âu và Mỹ đồng loạt tuyên bố hạn chế hoạt động hoặc rời khỏi thị trường Nga nhằm đáp trả hành động quân sự của Moscow đối với Kyiv, cũng như để tránh các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, hơn 1 năm đã trôi qua nhưng chỉ có rất ít doanh nghiệp phương Tây làm được điều này. Hiện vẫn còn rất nhiều công ty châu Âu từ tầm trung đến các công ty blue-chip (công ty lớn mạnh) vẫn ở lại thị trường Nga.
Thực tế bất ngờ
Nghiên cứu của Đại học St. Gallen (Thụy Sĩ) công bố hồi tháng 2 cho thấy trong khoảng thời gian từ tháng 2 - 11.2022, chỉ có chưa đến 9% các doanh nghiệp thuộc Liên minh châu Âu (EU) và G7 thoái vốn khỏi ít nhất một công ty con tại Nga. Các công ty rút đi chủ yếu là các doanh nghiệp có mức lợi nhuận thấp và lực lượng lao động cao hơn so với các doanh nghiệp còn ở lại.
Mới đây, Trường Kinh tế Kyiv (KSE) thống kê cho thấy trong số 3.141 doanh nghiệp nước ngoài tại Nga được theo dõi, chỉ có khoảng 211 công ty rời khỏi thị trường Nga (chiếm chưa đầy 7%) kể từ khi chiến sự bùng phát. Trong khi đó, 468 công ty đã công bố kế hoạch rút đi, 1.228 công ty ở lại và hơn 1.200 công ty thu nhỏ quy mô hoạt động hoặc để ngỏ lựa chọn. Trong số những doanh nghiệp ở lại, 19,5% đến từ Đức, 12,4% là của Mỹ, 7% là từ Nhật Bản.
Theo tờ The Washington Post, ngay khi chiến sự nổ ra, Coca-Cola tuyên bố "tạm dừng hoạt động kinh doanh tại Nga". Tuy nhiên, Coca-Cola HBC, công ty nước uống đóng chai có trụ sở tại Thụy Sĩ với 23,2% cổ phần do Coca-Cola nắm giữ, đã chuyển đổi công ty con của mình tại Nga là Coca-Cola HBC Eurasia thành công ty Multon Partners vào tháng 8.2022. Multon Partners hiện vẫn tiếp tục vận hành 10 nhà máy sản xuất các loại đồ uống dưới tên gọi khác ở Nga như Dobry Cola, Rich và Moya Semya.
Nga nói nền kinh tế đứng vững dù mức độ cấm vận vượt mọi dự báo
Trong khi đó, PepsiCo, mặc dù tuyên bố ngừng bán sản phẩm Pepsi-Cola, Mirinda và 7-Up ở Nga và chỉ sản xuất những mặt hàng thiết yếu như các sản phẩm từ sữa vì lý do nhân đạo, lại vẫn tiếp tục bán khoai tây chiên tại nước này. Tương tự, Unilever cũng đang bán kem Magnum tại Nga. Mặc dù gã khổng lồ nội thất Ikea của Thụy Điển tuyên bố đang rời Nga nhưng các trung tâm mua sắm Mega thuộc sở hữu của họ vẫn tiếp tục hoạt động tại đây. Gã khổng lồ dược phẩm Pfizer đã ngừng đầu tư vào Nga nhưng vẫn tiếp tục bán một số sản phẩm hạn chế và chuyển lợi nhuận tới các nhóm nhân đạo Ukraine. Chuỗi khách sạn Accor và Marriott cũng cho biết đã đình chỉ việc mở các địa điểm mới ở Nga nhưng các địa điểm hiện tại do bên thứ 3 quản lý vẫn hoạt động.
Thậm chí, một số công ty khác đang để ngỏ khả năng quay trở lại thị trường Nga. Carlsberg đặt mục tiêu dừng các hoạt động tại Nga vào giữa năm 2023 nhưng ông Tổng giám đốc Cees 't Hart cho biết công ty đang xây dựng điều khoản được mua lại nhà máy để tạo cơ hội trở lại thị trường Nga sau này.
Tiến thoái lưỡng nan
Việc nhiều công ty phương Tây đang chần chừ hoặc chưa thể rời bỏ thị trường Nga xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả chủ quan và khách quan.
Một là chính phủ Nga đã làm mọi cách để có thể chặn đứng được làn sóng doanh nghiệp phương Tây rời bỏ thị trường. Quá trình rời Nga tương đối phức tạp và mất nhiều thời gian khi Điện Kremlin ban hành quy định buộc các doanh nghiệp phương Tây phải xin phép nhà nước Nga nếu muốn bán tài sản. Nga cũng tịch thu tài sản và cấm các ngân hàng nước ngoài và các công ty năng lượng bán cổ phần nếu không có sự chấp thuận của đích thân Tổng thống Vladimir Putin.
Tháng 12.2022, Bộ Tài chính Nga công bố một số biện pháp đối với việc bán tài sản của các nhà đầu tư từ "các quốc gia không thân thiện", trong đó có chiết khấu 50% trên giá bán và đánh thuế 10%.
Chẳng hạn, chỉ 4 ngày sau khi chiến sự nổ ra, Shell tuyên bố sẽ rời khỏi Nga và bán gần 27,5% cổ phần của mình trong cơ sở sản xuất khí đốt hóa lỏng (LNG) Sakhalin-2 thuộc tập đoàn Novatek ở vùng Viễn Đông với giá 1,6 tỉ USD. Tuy nhiên, đầu tháng 4 vừa qua, truyền thông Nga cho biết, Tổng thống Putin chỉ cho phép Shell nhận lại 1,2 tỉ USD từ việc bán cổ phần này. Hơn nữa, việc chuyển tiền của Shell ra khỏi nước Nga cũng không phải chuyện dễ dàng.
Chính phủ Mỹ âm thầm yêu cầu ngân hàng lớn tiếp tục giao dịch với doanh nghiệp Nga
Ông Andrii Onopriienko, Giám đốc dự án tại KSE, cho biết rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài không có khả năng rời khỏi Nga theo cách thông thường. Sức ép từ các chính sách của Nga khiến các công ty này chỉ biết "nín thở đợi chờ". Tuy nhiên, một khi các công ty càng chần chừ, thời gian càng kéo dài thì nỗ lực rời bỏ thị trường Nga lại càng phức tạp và tốn kém hơn. Thậm chí, nhiều công ty sẽ mất khả năng bán doanh nghiệp của mình, tiếp tục thua lỗ và cuối cùng có thể bị quốc hữu hóa tài sản hoặc bị mua lại với giá bèo bọt.
Thứ hai, nỗ lực thoái vốn của các doanh nghiệp phương Tây phức tạp hơn dự kiến. Ngoài các quy định "trói tay" họ của nhà nước Nga như đã nói ở trên thì một số doanh nghiệp phương Tây không muốn mạo hiểm trao thị phần cho các công ty từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh, vốn đang "để mắt" đến những tài sản và cổ phần của họ tại Nga. Luật sư Olivier Attias thuộc Công ty Luật August Debouzy có trụ sở tại Paris (Pháp), đánh giá Nga là một thị trường lớn đối với nhiều công ty, nên việc quyết định "ra đi" là rất khó khăn và quá trình "ra đi" lại càng khó khăn hơn nữa.
Thứ ba, các doanh nghiệp phương Tây phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động kinh doanh tại Nga và tổn thất khi rút lui có lẽ lớn hơn so với việc ở lại. Nền kinh tế Nga vẫn hoạt động "tích cực" hơn dự báo, chỉ suy giảm 2,1% trong năm 2022 và cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp phương Tây ở thị trường này về dài hạn được đánh giá là rất lớn.
Xe Trung Quốc? Vì cấm vận, người Nga làm quen những hiệu ô tô mới
Thứ tư, nhu cầu của người tiêu dùng Nga với các nhãn hiệu phương Tây vẫn rất lớn. Mặc dù BMW, Mercedes và Apple đã thông báo ngừng bán hàng tại Nga nhưng sản phẩm của họ và các thương hiệu xa xỉ khác của phương Tây vẫn rất phổ biến ở Nga, bao gồm cả hàng nhập khẩu từ chợ đen. Chuyên gia Ivan Fedyakov thuộc Công ty nghiên cứu thị trường INFOLine nói rằng người Nga biết không gì có thể thay thế được một chiếc BMW, Mercedes hay điện thoại iPhone.
Thách thức cho người ở lại
Việc rời bỏ thị trường Nga là rất phức tạp và không dễ như các tuyên bố ban đầu bởi nó còn liên quan đến rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên, việc ở lại thị trường Nga cũng gây ra cho các doanh nghiệp phương Tây không ít thách thức.
Nhiều doanh nghiệp phương Tây chưa rút đi đang phải đối mặt với cáo buộc làm suy yếu các nỗ lực của Mỹ và phương Tây trong việc gia tăng sức ép với nền kinh tế Nga thông qua các lệnh trừng phạt. Ông Onopriienko cho biết: "Tiền thuế do các công ty nước ngoài đóng góp đang phần nào giúp Moscow duy trì các hoạt động quân sự, đồng thời cho phép người Nga tận hưởng các tiện nghi cũng như chất lượng cuộc sống không khác nhiều so với trước đây".
Hơn nữa, các công ty bán thực phẩm hoặc sản phẩm cá nhân của phương Tây rất dễ bị liên quan các nỗ lực của cuộc chiến, nhất là khi Nga chuyển sang "nền kinh tế thời chiến". Đơn cử, nhà sản xuất ngô và đậu Bonduelle của Pháp hồi tháng 12.2022 đã phải bác bỏ cáo buộc cung cấp thực phẩm đóng hộp cho quân đội Nga, sau khi hình ảnh binh sĩ Nga cầm sản phẩm của công ty xuất hiện trên mạng xã hội.
Nga khan hàng ô tô phân khúc trung bình vì cấm vận, Trung Quốc, Iran hưởng lợi
Bên cạnh đó, theo đánh giá của hãng tin Bloomberg, các công ty đa quốc gia được cho là mất khá nhiều nhân lực vì nhân viên địa phương nhập ngũ và di cư. Mặc dù phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov phủ nhận thông tin các doanh nghiệp sẽ bị buộc phải tham gia chiến dịch quân sự nhưng một số báo cáo cho rằng trong đợt động viên cục bộ vào mùa thu năm ngoái, nhiều thông báo đã được gửi tới các công ty nước ngoài - nơi có người Nga làm việc.
Các chuyên gia dự báo tình hình chiến sự ác liệt hơn trong thời gian tới sẽ khiến các doanh nghiệp phương Tây ở lại thị trường Nga tiếp tục đối mặt thêm nhiều khó khăn và thách thức.
Bình luận (0)