Nga lách lệnh trừng phạt phương Tây nhờ đồng minh

Nguồn: THP
Nguồn: THP
02/02/2023 19:30 GMT+7

Nga nhờ sự hỗ trợ của đồng minh đã lách trừng phạt từ phương Tây và đưa nền kinh tế hồi phục.

Trong tháng 1, Armenia ghi nhận sự bùng nổ trong lĩnh vực nhập khẩu và xuất khẩu điện thoại thông minh sang Nga. Các lô hàng điện thoại từ nhiều nước nhập khẩu vào nước này đã tăng vọt, lên gấp hơn 10 lần so với những tháng trước, theo tờ The New York Times.

Xu hướng này từng xuất hiện ở các nước châu Á vào năm 2022. Dữ liệu gần đây cho thấy sự gia tăng trong thương mại ở một số nước láng giềng và đồng minh của Nga, cung cấp bằng chứng về việc các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đang can thiệp để cung cấp cho Nga nhiều sản phẩm mà Moscow không thể mua được từ phương Tây do trừng phạt.

Khu cảng Vladivostok - cảng biển lớn nhất của Nga ở Thái Bình Dương

Khu cảng Vladivostok - cảng biển lớn nhất của Nga ở Thái Bình Dương

REUTERS

Lệnh trừng phạt của phương Tây giảm sức nặng?

Lệnh trừng phạt từ phương Tây, bao gồm các hạn chế đối với các ngân hàng lớn nhất của Nga, đã giáng đòn mạnh vào kinh tế nước này. Dù vậy, thương mại của Moscow dường như đã phục hồi và gần như quay về mức trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Nền kinh tế Nga đã chứng tỏ khả năng khôi phục đáng kinh ngạc, đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh, theo The New York Times.

Ngày 30.1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm nay, một sự cải thiện đáng kể so với ước tính trước đó là giảm 2,3%. IMF cũng dự báo lượng xuất khẩu dầu thô của Nga sẽ duy trì tương đối mạnh dưới mức giá trần hiện tại, trong khi thương mại của Moscow sẽ tiếp tục được xoay trục sang các nước "thân thiện".

Các nhà phân tích ước tính nhập khẩu của Nga có thể đã hoặc sẽ sớm phục hồi về mức trước xung đột. Theo giới phân tích, nhiều quốc gia không thể "thoát Nga". Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng chưa tới 9% tổng số các công ty có trụ sở tại Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu (G7) thoái vốn khỏi các công ty con ở Nga, theo The New York Times.

Ông Sergey Aleksashenko, cựu Thứ trưởng Tài chính Nga nói rằng năm 2023 sẽ là "một năm khó khăn" đối với kinh tế Nga, nhưng sẽ "không có thảm họa, không có sự sụp đổ". Theo ông, một số khía cạnh của nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn, song chi tiêu quân sự và giá năng lượng cao hơn đã "gỡ" lại các tổn thất.

Cây bút kinh tế người Mỹ Matthew Klein ước tính giá trị xuất khẩu toàn cầu sang Nga trong tháng 11 tới chỉ thấp hơn 15% so với mức trung bình hàng tháng trước khi xung đột nổ ra. Theo ông, xuất khẩu toàn cầu sang Nga rất có thể sẽ phục hồi hoàn toàn vào tháng 12. "Hầu hết sự phục hồi này đã được Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy. Không rõ có bao nhiêu hoạt động thương mại này vi phạm lệnh trừng phạt do Mỹ và châu Âu áp đặt", ông nói.

Ông Andrew S. David, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Tổ chức thúc đẩy chính sách Silverado (Mỹ), nhận định xu hướng này phản ánh cách các chuỗi cung ứng đã chuyển dịch để cung cấp hàng hóa cho Nga. Sau khi hai nhà cung cấp điện thoại di động lớn Samsung và Apple rút khỏi thị trường Nga theo lệnh trừng phạt, các thương hiệu điện thoại phổ biến của Trung Quốc như Xiaomi, Realme và Honor đã đẩy mạnh xuất khẩu sang Nga.

Theo ông David, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đạt mức cao kỷ lục trong tháng 12.2022, giúp bù đắp cho sự sụt giảm mạnh trong thương mại với châu Âu. Điện thoại của Apple và Samsung cũng bắt đầu tìm đường quay trở lại Nga, thông qua các nước láng giềng thân thiện, trong khi các chuyến hàng chở các mặt hàng khác đến Nga cũng đã tăng trở lại.

Nga lách lệnh áp đặt giá du

Một câu hỏi khác là liệu mức trần đối với giá dầu do phương Tây áp đặt có kìm hãm doanh thu dầu mỏ của Nga hay không.

Trước đó, phương Tây đã giới hạn giá dầu xuất khẩu của Nga không được vượt quá 60 USD/thùng, đồng thời áp đặt trừng phạt đối với lĩnh vực bảo hiểm hàng hải nhằm hạn chế doanh thu của Moscow, theo hãng tin Reuters. Một số nhà phân tích cho rằng Nga đang tìm cách tránh né đòn này bằng cách sử dụng các tàu không phụ thuộc vào bảo hiểm hoặc tài chính của phương Tây.

Theo ông Ami Daniel, giám đốc điều hành của công ty dữ liệu hàng hải Windward, ông đã chứng kiến hàng trăm trường hợp người dân từ các quốc gia như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Indonesia và Malaysia đã mua tàu để vận chuyển dầu thuê cho Nga.

Tàu chở dầu Minerva Virgo của Nga cập cảng New York (Mỹ) hồi tháng 2.2022

Tàu chở dầu Minerva Virgo của Nga cập cảng New York (Mỹ) hồi tháng 2.2022

REUTERS

Ông Daniel cho biết công ty của ông cũng đã ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ trong các hoạt động vận chuyển được xem là nỗ lực của Nga nhằm chống lại các biện pháp trừng phạt. Các hoạt động này bao gồm việc chuyển dầu ở các vùng biển xa, trong vùng biển quốc tế không thuộc quyền tài phán của hải quân bất kỳ quốc gia nào, cũng như tắt các thiết bị theo dõi vệ tinh hoặc truyền tọa độ giả nhằm tránh bị kiểm soát.

Theo ông Daniel, phần lớn hoạt động này diễn ra ở giữa Đại Tây Dương. Tuy nhiên, sau khi truyền thông đưa tin về các hoạt động đáng ngờ ở khu vực này, các hoạt động đã được chuyển hướng đến phía nam, ngoài khơi bờ biển Tây Phi. "Các hoạt động này đang bùng nổ", ông nói.

Tuy nhiên, ông Ben Cahill, thành viên Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cho rằng vẫn còn phải xem liệu đội tàu này có đủ lớn để cho phép Nga mua và bán dầu ngoài giới hạn hay không.

"Nếu hạm đội đó đủ lớn để Nga thực sự hoạt động ngoài tầm kiểm soát" của G7, thì mức trần có lẽ sẽ không mang lại loại đòn bẩy mà các nhà hoạch định chính sách phương Tây mong muốn. Tôi nghĩ chúng ta có thể kiểm chứng trong vòng vài tháng nữa", theo ông Cahill.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.