Mỹ có thể vẫn duy trì cấm vận Nga dù có đạt thỏa thuận hòa bình với Ukraine

Văn Khoa
Văn Khoa
14/11/2022 14:49 GMT+7

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định một số biện pháp trừng phạt đối với Nga có thể vẫn còn hiệu lực ngay cả sau khi Moscow đạt được thỏa thuận hòa bình với Ukraine, theo tờ The Wall Street Journal ngày 13.11.

Khi Ukraine đạt được những bước tiến trên chiến trường, các nhà lãnh đạo phương Tây đã bắt đầu cân nhắc câu hỏi liệu có thể - và bằng cách nào - đàm phán với Nga về chấm dứt chiến sự. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần đây cho biết ông sẵn sàng tiến tới các cuộc “đàm phán hòa bình thực chất” với Nga, và các quan chức Mỹ nói rằng mọi thỏa thuận sẽ phụ thuộc vào phía Ukraine.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và y tế G20 tại Indonesia ngày 12.11

reuters

Bộ trưởng Yellen cho hay bất kỳ thỏa thuận hòa bình cuối cùng nào với Ukraine sẽ liên quan đến việc xem xét lại các lệnh cấm vận mà Mỹ và các đồng minh đã áp đặt lên nền kinh tế Nga. “Tôi cho rằng trong trường hợp có một thỏa thuận hòa bình, việc điều chỉnh các biện pháp cấm vận là khả thi và có thể phù hợp. Với những gì đã xảy ra, chúng tôi có lẽ cảm thấy một số biện pháp cấm vận vẫn sẽ được duy trì”, bà Yellen cho hay trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với The Wall Street Journal tại Indonesia, nơi bà đang tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo G20.

Chính phủ Mỹ ‘bí mật’ yêu cầu ngân hàng tiếp tục giao dịch với công ty Nga

Phát ngôn trên của Bộ trưởng Yellen có thể cho thấy nỗ lực lâu dài của Mỹ nhằm kìm hãm nền kinh tế Nga, theo The Wall Street Journal. Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Moscow đối với phát ngôn mới của bà Yellen. Hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng các lệnh cấm vận nhắm vào Nga “giống như lời tuyên chiến”, theo Đài RT.

Mỹ và các đồng minh đã tìm cách làm suy giảm năng lực quân sự của Nga bằng cách ngăn chặn Nga tiếp cận công nghệ tiên tiến của phương Tây và bóp nghẹt hệ thống tài chính của nước này. Tuy nhiên, Nga đã đạt được doanh thu khổng lồ từ việc bán năng lượng trong năm nay và bà Yellen đã dẫn đầu nỗ lực của G7 trong việc áp đặt mức giá trần đối với dầu của Nga để đáp trả.

Mục tiêu của việc áp mức giá trần đối với dầu của Nga là làm giảm doanh thu của nước này từ việc bán dầu, trong khi vẫn đảm bảo nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu để ổn định giá cả. Tuy nhiên, nỗ lực này đã gặp phải tình trạng chậm trễ trong lúc các quan chức cố gắng hoàn thiện kế hoạch chi tiết trước khi giá trần được áp dụng cho dầu thô của Nga từ ngày 5.12.2022, theo The Wall Street Journal.

Xuất khẩu dầu, khí đốt Nga tăng mạnh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.