Trực tiếp điều khiển chiếc vỏ lãi chạy dọc dải rừng ngập mặn ven sông Thị Vải vào một buổi chiều cuối năm, chở thêm vài người bạn học cũ, Nguyễn P.Thành, từng là chuyên viên trong dự án trồng rừng của một tổ chức phi chính phủ tại miền Nam, có dự án nhà đầu tư nuôi tôm tại Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Ông vào vùng đất này lập nghiệp từ 30 năm trước, hai bờ sông Thị Vải lúc đó hoang sơ, đâu đâu cũng thấy một màu xanh ngút ngàn. Nguyên dải rừng ngập mặn đã ngăn gió, chắn sóng và tạo điều kiện cho việc nuôi trồng thủy hải sản rất ổn. Thế nhưng, phong trào công nghiệp hóa, xây dựng khu công nghiệp, nhà máy, rồi phong trào “tỉa thưa” cây tự phát của người dân, khiến diện tích rừng thu hẹp, theo đó, những mảng xanh ngút ngàn cũng trở nên “mỏng” hơn.
Bà Rịa-Vũng Tàu với tham vọng trồng 10 triệu cây xanh
Nhắc lại câu chuyện trên, ông Thành cho biết thêm, việc phá rừng xảy ra lâu rồi, nay thì không chỉ có cây xanh tại Bà Rịa-Vũng Tàu giảm mà nhiều tỉnh thành trên cả nước đều giảm mạnh. Thế nên, Chính phủ mới có phong trào trồng cây diễn ra tại nhiều nơi trên cả nước. "Bà Rịa-Vũng Tàu nay không có đất nữa để phát triển các dự án trồng rừng phủ xanh đồi trọc. Nhưng việc định hướng cho toàn dân ý thức sống xanh, tôn trọng từng cây xanh, có kế hoạch phát triển thêm gam màu xanh ngay trong đô thị là điều cần thiết phải làm”, ông Thành nhận xét.
Ông Đặng Sơn Hải, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng thừa nhận, địa phương không còn rừng nhiều “phủ xanh đồi trọc”, nhưng các dự án xây dựng trong đô thị luôn đảm bảo tỷ lệ cây xanh rất tốt, các tuyến đường, cơ quan đều luôn coi trọng phát triển mảng xanh. Hiện việc bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học đã được UBND tỉnh giao cho 2 Sở TN-MT và NN-PTNT xây dựng giải pháp. Trong đó, liên quan chuyên môn ngành nông nghiệp, giao cho Sở NN-PTNT phụ trách. Quan điểm chung là phát triển kinh tế, không chỉ bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương mà còn đẩy mạnh các dự án trồng cây để Bà Rịa-Vũng Tàu ngày một xanh, đẹp, chất lượng hơn.
Trước đó, ngày 15.3, Sở NN-PTNT tỉnh này cũng đã có báo cáo kế hoạch trồng 10 triệu cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Theo kế hoạch, dự kiến đến hết năm 2025 toàn tỉnh sẽ trồng mới 10 triệu cây xanh, phân bố tại cả khu vực đô thị và nông thôn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn… Đến thời điểm hiện tại, các sở, ngành, địa phương đã đăng ký trồng 2,34 triệu cây, trong đó, trồng rừng tập trung 1,24 triệu cây; cây phân tán 1,09 triệu cây. Đặc biệt, trong năm nay, toàn tỉnh sẽ trồng khoảng 112.820 cây phân tán, trong đó có 27.620 cây kế hoạch năm 2020 chuyển qua; chăm sóc 143.350 cây phân tán các năm và 321 ha rừng trồng các năm của các ban quản lý rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 450 ha; khoán bảo vệ 1.680 ha diện tích rừng…
Đã có những khởi đầu
Trên thế giới, chương trình trồng cây của các nước không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách mà kêu gọi từ các quỹ do những nhân vật có tên tuổi khởi xướng, hoặc các tập đoàn sản xuất. Chẳng hạn gây quỹ trồng cây ngay trên mạng xã hội của Team Trees, bắt đầu từ những nhân vật nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trên mạng. Chiến dịch của Team Trees sau 24 tiếng phát động đã thu về 3,5 triệu USD cho việc trồng cây, rồi hơn 2 tháng sau đã tăng lên hơn 20 triệu USD.
Tại Việt Nam, chương trình trồng cây xanh đang được nhiều địa phương triển khai khá mạnh mẽ trong thời gian qua... song hạn chế lớn nhất là nguồn lực. Trước đây, nguồn kinh phí của các chương trình trồng rừng tại Việt Nam thường lấy từ ngân sách nhà nước, tiền tài trợ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế… Đến nay, theo chuyên gia, muốn đi nhanh và đi xa, phải huy động nguồn lực xã hội, cụ thể là doanh nghiệp.
|
GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường (Trường đại học Công nghiệp TP.HCM), nhận xét có khá nhiều địa phương triển khai chương trình trồng cây với số lượng lớn trong thời gian qua, hưởng ứng từ lời “hiệu triệu” của nguyên Thủ tướng Chính phủ (nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc) trồng 1 tỉ cây vì một Việt Nam xanh, tinh thần phải huy động sức dân. Trong đó, ông đặc biệt chú ý thông tin Tập đoàn Novaland tài trợ trồng đến 5 triệu cây xanh tại Lâm Đồng với tham vọng “phủ xanh” vùng đất cao nguyên này, rồi Vinamilk tài trợ trồng gần 100.000 cây xanh tại Cà Mau để chống xói mòn, hạn hán…
GS Bá nói thẳng: Muốn phủ xanh hiệu quả, chính quyền địa phương phải huy động sức dân. Bắt đầu bằng việc kêu gọi mỗi người dân trồng bao nhiêu cây, mỗi doanh nghiệp đăng ký trồng bao nhiêu cây. Chẳng hạn, doanh nghiệp đang làm ăn kinh doanh tại địa phương, có liên quan đến môi trường, đăng ký trồng 10.000 cây có được không… Hiện tại, một số địa phương đã nhận được sự đóng góp đáng quý từ các doanh nghiệp cực kỳ quan trọng, nó sẽ thúc đẩy, kêu gọi, đánh thức ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp vì một Việt Nam xanh.
Xây dựng chiến lược “win -win”
Ông nói: “Một trong nhưng yếu tố quan trọng để các chương trình trồng cây xanh của các địa phương thành công là phải nâng cao nhận thức xã hội và huy động nguồn lực xã hội để trồng. Huy động được nguồn lực xã hội thành công, chương trình đã thành công hơn một nửa. Bởi ngoài việc bảo đảm nguồn tài chính để hỗ trợ các bên liên quan trồng cây, trồng rừng, các địa phương phải đảm bảo ngân sách bền vững dài hạn trong suốt quá trình cây non trưởng thành phát triển. Đặc biệt phải có công nghệ trồng cây mới tại những vùng đất trước đây chưa trồng, khó khăn về thổ nhưỡng chẳng hạn… Các chi phí này “ngốn” nguồn tài chính rất lớn và chính sự hỗ trợ của nhà đầu tư sẽ giảm bớt gánh nặng, giúp cho dự án thành công trọn vẹn hơn”.
Ngoài ra, cũng theo vị này, với Bà Rịa-Vũng Tàu, việc trồng cây rừng bù đắp những khu vực bị mất lõi do nạn phá rừng, khai thác quá mức trước đây. Khu vực rừng cần “vá lõi” là gần Bình Châu - Phước Bửu. Ông nói tiếp, nhiệm vụ của bảo tồn là khôi phục lõi, tuần tự và có chiến lược vá lõi rõ ràng với chủng loại cây gì… Khu vực này tuy nhìn ngoài xanh bao la đẹp vậy, nhưng bên trong bị phá một số lõi đang cần phủ xanh lại.
“Mọi chương trình xã hội thì ngoài việc xây dựng kế hoạch, triển khai, đổ nguồn lực vào, phát triển ra làm sao, duy trì thế nào… phải có tổng kết đánh giá. Các địa phương muốn chương trình thành công, phải có chiến lược “win-win” (đôi bên cùng có lợi) giữa địa phương và doanh nghiệp khi lập kế hoạch mời gọi tài trợ trồng cây tại địa phương. Nếu nhà đầu tư hỗ trợ tiền tỉ cho địa phương đó trồng nhiều cây xanh, đổi lại quyền lợi của họ là gì…"- ông Bá nhấn mạnh
Bình luận (0)