Doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề để '2 bên cùng có lợi'

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
22/10/2018 16:41 GMT+7

Quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp là quan hệ tự thân vì lợi ích của cả hai bên, nhưng thực tế lại chưa chặt chẽ và hiệu quả

Đó là nội dung chính trong hội thảo "Nâng cao chất lượng và khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam thông qua gắn kết nhà trường và cơ sở doanh nghiệp", được tổ chức sáng nay 22.10 tại TP.HCM.

Hội thảo do Chương trình đổi mới đào tạo nghề của Đức tại Việt Nam (GIZ) phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức, với sự tham gia của lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Tổng lãnh sự quán CHLB Đức tại TP.HCM, Chương trình đổi mới đào tạo nghề của Đức tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế đến từ Đức, các trường CĐ, trung cấp, các doanh nghiệp…


Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, nhấn mạnh: “Một trong những vấn đề quan trọng nhất của giáo dục nghề nghiệp là đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động về một lực lượng lao động trực tiếp có kỹ năng nghề, thái độ phù hợp với trình độ đào tạo. Về phía doanh nghiệp, thị trường lao động luôn cần một lực lượng lao động được đào tạo để tăng năng suất lao động, lợi nhuận của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh. Quan hệ giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp là quan hệ tự thân vì lợi ích của cả hai bên, nhưng thực tế lại không chặt chẽ và chưa hiệu quả”.

 

Theo ông Dũng, Bộ LĐ-TB-XH xác định việc gắn kết giữa GDNN với doanh nghiệp là giải pháp đột phá nâng cao chất lượng GDNN.

 

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cùng trao đổi, đóng góp ý kiến về những vấn đề về hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở GDNN với khu vực doanh nghiệp, trong việc xây dựng các tiêu chuẩn đầu ra, hợp tác đào tạo, đánh giá năng lực người học.


Tiến sĩ Jurgen Hartwig, Giám đốc chương trình hợp tác Việt - Đức về đổi mới đào tạo nghề ở Việt Nam, chia sẻ một số khía cạnh hợp tác với khối doanh nghiệp trong hệ thống đào tạo nghề kép. Ông cho rằng doanh nghiệp phải được tham gia vào quá trình xây dựng nghề nghiệp, tiêu chuẩn, chương trình đào tạo và ngay cả việc tuyển sinh. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải được tham gia vào các kỳ sát hạch, chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng đào tạo nghề cùng với nhà trường.

Các chuyên gia Đức cũng đưa ra khuyến nghị, Việt Nam nên thiết lập Ban tư vấn ngành hoặc Hội đồng ngành để có thể tham gia vào xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo và đánh giá người học. Đồng thời thiết lập quan hệ giữa doanh và học viên ngay từ khi bắt đầu đào tạo nghề, thiết lập một hệ thống quốc gia về đào tạo và đánh giá người đào tạo tại doanh nghiệp…

Để thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, theo tiến sĩ Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN), hiện nay có nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp có tham gia vào đào tạo nghề. Chẳng hạn luật GDNN cũng đã quy định “các khoản chi cho hoạt động đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Luật sử đổi, bổ sung một số điều của các luật và thuế cũng cho biết doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu khoản chi này phục vụ cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp như tài trợ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập, tài trợ học bổng…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.