Doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh

Nguyên Nga
Nguyên Nga
02/11/2022 06:27 GMT+7

Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng đến 38%, trong đó ngành dịch vụ tăng mạnh nhất. Đây là tín hiệu khá tích cực cho nền kinh tế trong giai đoạn cuối năm.

Hơn 13.000 doanh nghiệp thành lập mới

Anh Q.A (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đang tìm mặt bằng để mở quán cà phê nhượng quyền. Nghề chính của anh là mảng công nghệ thông tin (IT) đã gần 20 năm kể từ khi ra trường; lần đầu tập tọe kinh doanh nên anh hết sức thận trọng. Trước khi quyết định đổi nghề, anh đã khảo sát thị trường hơn 3 tháng.

“Đầu tiên là khảo sát hiệu quả mô hình mà mình định chuyển nhượng thì thấy khá tốt. Tại TP.HCM, chuỗi cà phê này mới chỉ có 5 quán thôi nhưng quán nào cũng đông khách vì có gu riêng cả về thiết kế không gian quán và đồ uống. Thứ hai là khảo sát giá mặt bằng cũng như các chi phí cố định với doanh thu dự kiến... Nói thì ngắn nhưng rất nhiều chuyện, tuy nhiên nhìn chung thì ổn. Tôi đã nhắm được vài mặt bằng, đang thương lượng thời gian và giá thuê là tiến hành thi công liền”, anh Q.A cho biết. Sở dĩ anh Q.A mạnh dạn hơn bởi hồi đầu năm nay người nhà anh cũng khá thành công khi mở một nhà hàng nhỏ.

Số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động tăng mạnh là tín hiệu tích cực của nền kinh tế

Ngọc Dương

Khảo sát tại TP.HCM thời điểm này trên những con đường dịch vụ, các mặt bằng bỏ trống khi dịch Covid-19 xảy ra nay hầu hết đã mở cửa trở lại. Một số thương hiệu mới mất đi nhưng thay vào đó là các thương hiệu mới. Có thể nhận thấy sự mở rộng nhanh chóng ở nhiều ngã tư đường của thương hiệu Katinat Saigon Kafe, sự nhộn nhịp tươi mới của PhinDeli...

Ở lĩnh vực dịch vụ xuất nhập khẩu, anh N.K (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết nếu như cách đây 3 tháng doanh nghiệp (DN) của anh khá khó khăn vì đơn hàng nội thất sụt giảm, phải tạm ngưng hoạt động 2 tháng thì hiện giờ tình trạng đã được cải thiện. Đặc biệt, công ty anh đang mở rộng ra làm nhiều dịch vụ trong lĩnh vực gỗ, đồ gỗ tại thị trường nội địa thay vì chỉ chăm chăm vào xuất khẩu như trước. “Nhu cầu làm đồ nội thất cho các hộ gia đình rất nhiều, có thể nói là làm không xuể. Có người thì làm trọn gói, từ thiết kế, nội thất; có người thì làm chuyên đồ gỗ... Trước đây mấy việc này chúng tôi không làm. Giờ làm mới thấy tỷ suất lợi nhuận thậm chí còn cao hơn so với bán sỉ”, anh N.K tính toán.

Cần thực hiện quyết liệt cải cách môi trường kinh doanh, hỗ trợ chính sách về vay vốn... để giúp DN “dễ thở” hơn trong những tháng cuối năm. Giá xăng dầu vẫn là vấn đề cần mổ xẻ và nhận trách nhiệm để ổn định thị trường càng sớm càng tốt.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội)

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), trong tháng 10 cả nước có hơn 13.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 106.900 tỉ đồng, tăng gần 14% so với tháng 9. Bên cạnh đó, còn có 52.700 DN quay trở lại hoạt động (tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái), nâng tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 10 tháng đạt gần 178.500 DN, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ KH-ĐT đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bắt đầu có sự phục hồi, những tín hiệu tích cực trong tình hình đăng ký DN cho thấy sự ủng hộ của người dân và DN trong việc Chính phủ chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả.

Cần nguồn tài chính để duy trì hoạt động

Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Tinh Hoa Quản Trị, nhận xét những con số trên rõ ràng là tín hiệu tích cực trong bối cảnh quá nhiều khó khăn mà DN đang phải chật vật ứng phó. Năm nay, tình hình kinh tế thế giới và trong nước khó khăn nhiều hơn những gì được dự báo. Đó là xung đột Nga - Ukraine kéo dài sau đại dịch, giá nhiên liệu thế giới tăng mạnh. Với nền kinh tế có độ mở lớn, chắc chắn DN VN phải gặp rất nhiều khó khăn.

Giữa bộn bề lo toan ấy, con số DN khởi nghiệp trong tháng 10 vọt lên hơn 13.000 là điều đáng mừng, chứng tỏ chúng ta vẫn tìm thấy đâu đó cơ hội để khởi nghiệp, tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý số DN tạm dừng kinh doanh có thời hạn trong 10 tháng vẫn còn khá cao, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Như một quy luật tự nhiên, DN này mất đi sẽ có DN khác xuất hiện. Nền kinh tế không thể “ngủ đông” cho dù còn quá nhiều khó khăn. Điều cần lưu ý trong những tháng cuối năm là sức mua có thể chưa quay lại như thời điểm trước đại dịch Covid-19 bùng phát do lạm phát tăng cao, người dân giảm chi tiêu. Tuy nhiên, sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước vẫn có cơ hội phát triển do giá cả hàng hóa tăng, tâm lý người tiêu dùng quay lại thị trường nội địa nhiều. Bên cạnh đó, nhiều DN gặp khó khăn trong việc xuất hàng đi, đã từng bước đưa hàng quay lại thị trường nội địa với chất lượng tốt, chuyên nghiệp hơn hẳn”, ông Đỗ Hòa nhận xét.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, cho rằng mặc dù khả năng chống đỡ và thích nghi hoàn cảnh của DN VN khá tốt, thế nhưng một vài biến động gần đây về lãi suất, lo lắng đáo hạn trái phiếu DN có thể ảnh hưởng nguồn tài chính hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong những tháng cuối năm và sang năm 2023. Thế nên, những con số tích cực về lượng DN mới tăng cho thấy chính sách hỗ trợ giúp DN ổn định đầu tư kinh doanh là cực kỳ cần thiết. “DN xuất khẩu một mặt gặp khó vì đơn hàng sụt giảm, mặt khác lại phải chi nhiều hơn để mua nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất xuất khẩu do tỷ giá ngoại tệ tăng.

Khó khăn chồng khó khăn này sẽ cản đường thâm nhập sâu chuỗi giá trị toàn cầu của DN nội địa, giảm hiệu quả việc khai thác các ưu đãi của hiệp định thương mại tự do mà VN đã ký kết với các nước. Theo tôi, cần thực hiện quyết liệt cải cách môi trường kinh doanh, hỗ trợ chính sách về vay vốn... để giúp DN “dễ thở” hơn trong những tháng cuối năm. Giá xăng dầu vẫn là vấn đề cần mổ xẻ và nhận trách nhiệm để ổn định thị trường càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm để thúc đẩy mạnh phát triển thương hiệu hàng nội để trở thành thương hiệu mạnh. Chúng ta nói nhiều và cũng làm nhiều về chuyển đổi số, vậy không có lý do gì việc đầu tư đổi mới sáng tạo không giúp chúng ta có sản phẩm mới mang đặc thù VN, nhất là đổi mới công nghệ theo xu hướng 4.0”, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nêu quan điểm.

Chuyên gia Đỗ Hòa bổ sung, trong tình trạng hiện nay các chính sách hỗ trợ DN hoạt động ổn định là cần thiết. Một mặt khuyến khích DN mới thành lập, nhưng một chính sách để duy trì DN hoạt động, giảm thiểu số DN giải thể, đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh… mới giúp nền kinh tế phát triển mạnh một cách bền vững được. “Vấn đề tỷ giá, lãi suất đang gây đau đầu cho DN. Chỉ còn 2 tháng nữa kết thúc năm, DN cần nguồn tài chính để duy trì sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa phục vụ tết, những nút thắt trong lãi vay cần sớm tháo gỡ. Về phía DN, cũng phải tối ưu hóa, tiết kiệm và cải tiến tinh giản bộ máy gọn nhất có thể nhằm giảm chi phí để vượt qua giai đoạn hiện nay”, ông Đỗ Hòa nhấn mạnh.

“Chính phủ nên đẩy mạnh chi tiêu công để tạo công ăn việc làm, hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì đà phục hồi kinh tế sau đại dịch. Nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công rất thấp, Chính phủ nên “thúc”, thậm chí “ép” để các địa phương tăng tốc, giảm độ ỳ, chủ động hơn để tăng giải ngân đầu tư công, cùng cộng đồng DN tư nhân trong nước vượt khó, phục hồi và phát triển”.

Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.