Ngày 14.10, Phân viện Kiểm toán viên nội bộ Quốc tế tại Việt Nam (IIA Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị Kiểm toán nội bộ 2023 với sự bảo trợ về mặt chuyên môn của Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), các cơ quan quản lý nhà nước và quản lý thị trường, đại diện Liên đoàn Kiểm toán viên nội bộ châu Á, các hiệp hội ngành nghề và các công ty tư vấn/kiểm toán trong nước và quốc tế.
Theo kết quả khảo sát của IIA Việt Nam, trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho thấy công tác kiểm toán nội bộ doanh nghiệp đã ban hành quy chế nhưng thực tế vẫn còn đang ở dạng miễn cưỡng, đối phó. Nhiều bộ phận kiểm toán nội bộ chưa ban hành chính sách chống xung đột lợi ích, nhân viên kiểm toán nội bộ tại nhiều doanh nghiệp vẫn đang kiêm nhiệm hoặc tham gia vào các hoạt động kinh doanh của đơn vị, ảnh hưởng tới tính độc lập về mặt tổ chức. Vị thế và vai trò của bộ phận kiểm toán nội bộ chưa tương xứng, việc tham gia đóng góp vào các cuộc thảo luận mang tính chiến lược của doanh nghiệp còn hạn chế.
Quy mô của bộ phận kiểm toán nội bộ còn khá khiêm tốn, thiếu hụt nguồn lực có chuyên môn đáp ứng được yêu cầu công việc, chế độ đãi ngộ cho nhân viên kiểm toán nội bộ chưa thực sự hấp dẫn nên khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài.
Theo báo cáo của IIA, chính vì thiếu sự quan tâm đúng mức nên khâu kiểm toán nội bộ chưa áp dụng công nghệ, tiến bộ mới như số hóa, an ninh mạng...Trong số các doanh nghiệp được khảo sát chỉ một số ít các doanh nghiệp hiện đang áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán nội bộ.
Hầu hết các doanh nghiệp được hỏi đều cho rằng không cần thiết phải bổ nhiệm người phụ trách kiểm toán nội bộ tại doanh nghiệp và chủ yếu sử dụng dịch vụ thuê ngoài. Tuy nhiên, ngay chính nhóm thuê ngoài cũng khẳng định đang gặp khó khăn và hạn chế khi tiếp cận các hồ sơ, thông tin, tài sản và nhân sự liên quan đến cuộc kiểm toán.
Tại hội nghị, đại diện Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) chia sẻ: Kiểm toán nội bộ đã được luật hóa nhằm giám sát các rủi ro tài chính, đánh giá hiệu quả của các chiến lược quản lý rủi ro, đánh giá tình hình thanh khoản của tổ chức, đánh giá các hoạt động quản lý tài chính và xác định các thiếu hụt thanh khoản tiềm ẩn. Hiện nay các nước trong khu vực đã có bước tiến rất xa, áp dụng công nghệ vào quản lý giúp cho doanh nghiệp phát triển vững mạnh, trong khi đó các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa mặn mà với công tác này, cần phải thay đổi nhận thức và tiếp tục khuyến khích trong thời gian tới.
Bình luận (0)