Doanh nghiệp tìm cách 'sống sót', không nghĩ đến tăng trưởng trong năm 2023

Đình Sơn
Đình Sơn
09/02/2023 10:32 GMT+7

Hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều nói rằng: Năm nay cố gắng tìm mọi cách tồn tại, sống sót, không thể tính đến chuyện phát triển.

Mới trải qua thời gian "thập tử nhất sinh" phải tìm mọi cách huy động tiền để thu mua lại lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, lãnh đạo một công ty bất động sản từng vào nhóm những người giàu nhất trên sàn chứng khoán TP.HCM cho biết, mục tiêu năm 2023 của ông và doanh nghiệp là tồn tại.

Dù vậy, nhìn xung quanh, ông thấy mình còn may mắn hơn nhiều doanh nghiệp khác khi đã bán được một số dự án, huy động được lượng tiền hơn 1.000 tỉ đồng trong thời gian ngắn để mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn đã khiến công ty không còn nguồn lực để nghĩ tới đầu tư, phát triển.

"Hàng bán không được, ngân hàng hạn chế cho vay. Họ nói chỉ cho vay nếu đáp ứng đủ điều kiện là dự án phải hoàn thiện pháp lý. Trong khi hiện nay ai cũng biết, để một dự án hoàn thành pháp lý phải mất 3 - 5 năm. Thị trường bất động sản giờ mờ mịt quá, pháp lý không làm, ngân hàng không cho vay, thị trường không có giao dịch. Doanh nghiệp giờ chỉ lo tồn tại, sống sót, không dám nghĩ đến chuyện tăng trưởng", vị này rầu rĩ nói.

Doanh nghiệp tìm cách tồn tại, sống sót qua năm 2023 - Ảnh 1.

Năm 2023, doanh nghiệp tính đến chuyện sống sót, tồn tại

ĐÌNH SƠN

Từng tất bật đầu tư hàng chục dự án ở khắp nơi, từ Long An, Bình Dương, Đồng Tháp… nhưng nay lãnh đạo Tập đoàn Trần Anh cho biết, đến giờ công ty vẫn chưa khai trương, chưa cho nhân viên đi làm bởi có đi làm cũng không bán được hàng, kinh doanh không hiệu quả. Do thị trường bất động sản đóng băng, cộng với các thủ tục hành chính ngày càng khó khăn và bất cập khiến doanh nghiệp này không chỉ dừng phát triển các dự án mới mà còn thu hẹp đầu tư, bán một số dự án đang triển khai. Công ty sẽ chủ động chậm lại vài nhịp nhằm ưu tiên dự trữ nguồn lực để đủ sức tồn tại trong 12 tháng tới. Mục tiêu lớn nhất của doanh nghiệp trong năm 2023 là tồn tại.

Trước tình trạng đóng băng giao dịch, ngân hàng không cho vay, nhiều doanh nghiệp cảm thấy chán nản, muốn buông bỏ, không còn ý chí "chiến đấu". Bởi với những gì đang diễn ra, những người không lạc quan có thể cho rằng phải mất 2 năm nữa thị trường mới có thể hồi phục. "Dịch Covid-19 đã bào mòn sức khỏe doanh nghiệp mất khoảng 5 năm mới có thể hồi phục lại như lúc đầu. Nay thị trường đóng băng, ngân hàng siết tín dụng, gom tiền mua trái phiếu doanh nghiệp, lạm phát toàn cầu… càng khiến doanh nghiệp thêm kiệt sức. Trong khi đó, đến nay chưa thấy có dấu hiệu nào khả quan từ chính sách có thể giúp doanh nghiệp hồi phục trong năm 2023. Nên năm 2023, thậm chí năm 2024 cũng chỉ "đi nhẹ, nói khẽ". Dùng lợi nhuận đã có từ những năm trước nuôi bộ máy, nuôi dự án để tồn tại, không dám nghĩ đến chuyện phát triển", lãnh đạo Tập đoàn TC chia sẻ về định hướng năm 2023.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa nhận định: Có đến 80% doanh nghiệp tiết lộ chọn đầu tư kinh doanh thận trọng và cắt giảm trong năm 2023. Đa số các doanh nghiệp có xu hướng thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi phí, giảm tốc đầu tư, giãn tiến độ dự án, hạ phân khúc sản phẩm để vượt bão. Đây là lựa chọn đúng đắn vì 12 tháng tới là thời gian quan trọng để các doanh nghiệp tìm ra biện pháp "điều trị" nhằm chữa dứt các triệu chứng bệnh tật đã trở nặng thời gian qua.

Chiến lược thắt lưng buộc bụng của các doanh nghiệp trong 12 tháng tới sẽ giúp chặn đứng chu kỳ đầu tư kinh doanh bùng nổ một cách dễ dãi, mở ra chu kỳ đầu tư kinh doanh thận trọng nhưng hướng đến sự phát triển bền vững hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.