Doanh nghiệp TP.HCM đồng loạt kêu khó về thị trường, nguồn vốn

Mai Phương
Mai Phương
30/03/2023 16:29 GMT+7

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa có báo cáo gửi UBND TP.HCM về tình hình hoạt động doanh nghiệp trong tháng 3 và quý 1/2023.

HUBA cho biết, kết quả khảo sát của hiệp hội cho thấy tình hình của nhiều đơn vị, ngành nghề vẫn khó khăn. Cụ thể, có 41,2% số lượng doanh nghiệp đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp; 17,6% bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng; 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp; 17,6% thiếu vốn kinh doanh; 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất - kinh doanh và các khó khăn khác chiếm 6,5%.

Doanh nghiệp TP.HCM đồng loạt kêu khó về thị trường, nguồn vốn - Ảnh 1.

Hàng loạt doanh nghiệp tại TP.HCM vẫn đang gặp khó khăn

QT

Báo cáo dẫn chứng cụ thể, ngành lương thực thực phẩm có sự tăng trưởng sản phẩm đồ uống và một số loại thực phẩm. Tuy nhiên, nhìn chung toàn ngành trong quý 1/2023 giảm khoảng 2% doanh số. Nguyên nhân do sụt giảm tiêu thụ xuất khẩu toàn cầu, tiêu thụ nội địa giảm sâu do sức mua yếu. Dự báo trong quý 2/2023 ngành này ước giảm khoảng 4,07%.

Tương tự, kim ngạch xuất khẩu dệt may giảm khoảng trên 8% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp đang phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động. Hầu như các doanh nghiệp đang chủ động tái cấu trúc, tiết kiệm, tinh giảm các nguồn lực, cắt giảm chi tiêu. Khó khăn phổ biến là thiếu hụt dòng tiền, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nợ xấu. Do vậy, từ giữa năm 2022 đến nay các công ty không đầu tư và có xu hướng bán lại, làm mất thương hiệu.

Ngành cơ khí điện có tình trạng chung là đơn hàng giảm, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 50%. Song song, ngành xây dựng công nghiệp gặp khó khăn do thị trường giảm, lãi suất cao, đơn hàng giảm. Bên cạnh đó, tiêu chí phòng cháy chữa cháy không rõ ràng, chưa thống nhất, nhiều dự án không hoàn công được, không có giấy phép, không thể sử dụng thế chấp vay vốn.

Trong khi đó, ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ giảm xuất khẩu khoảng 15%; trong đó các sản phẩm dăm, viên nén, pallet; đồ gỗ giảm đến 45%. Thị trường nội địa cũng rất không khả quan khi các sản phẩm nội thất phụ vụ dự án đóng băng hoàn toàn về công việc và dòng tiền; hoạt động bán lẻ cũng sụt giảm rất lớn.

Ngành du lịch với hầu hết doanh nghiệp đều thiếu nguồn nhân lực phù hợp, cụ thể chỉ có 16% được đào tạo bài bản, trên 80% chưa được đào tạo. Trong khi đó, công tác ứng dụng chuyển đổi số trong ngành cũng chưa phát triển xứng tầm, hệ thống dịch vụ ban đêm còn rất kém, kể cả dịch vụ văn hóa. Việc hạn chế khâu cấp visa nhập cảnh, việc thiếu vắng các cơ sở hạ tầng tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc tế… là điểm nghẽn hạn chế khách du lịch quốc tế đến Việt nam.

Ngành bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền gây ảnh hưởng dây chuyền trong chuỗi cung ứng, thiếu tiền trả cho nhà thầu, trả cho trái chủ, trả lãi ngân hàng, trả lương cho người lao động… Các nhà cung cấp cũng bị ảnh hưởng theo, trong khi đó sắt tăng giá, các hợp đồng xây dựng đã ký tiếp tục lỗ vốn. Nguồn vốn rất khó, gần như không tiếp cận được gói 120.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất từ 1,5 - 2%. Tài sản thế chấp là đất nông nghiệp được định giá rất thấp và giá trị tài sản đảm bảo nói chung giảm đến 30%, đòi hỏi phải bổ sung tài sản thế chấp trong khi doanh nghiệp gần như cạn kiệt tài sản.

Ngành vật liệu xây dựng hiện có khoảng 40% doanh nghiệp trong tình trạng không hoạt động được, khả năng đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản nếu không có gì thay đổi...

HUBA đề nghị thành phố thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tăng cường kết nối doanh nghiệp - ngân hàng thường xuyên, đến các quận huyện nhằm nâng cao vai trò nắm bắt, tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, tiếp tục cải cách hành chính, rút ngắn tối đa thời gian, quy trình đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố, rà soát các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về pháp lý, thủ tục đầu tư, phát triển nhà ở xã hội…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.