Hơn một năm trôi qua sau khi Báo Thanh Niên đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp (DN) bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong hoạt động xuất khẩu, nhưng tình trạng này vẫn đang diễn ra.
Dài cổ chờ hoàn thuế
Đại diện Công ty TNHH TM Yong Li Feng (TP.HCM) cho hay hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT của công ty cho khoảng thời gian từ 2019 - 7.2022 đã được nộp trong năm 2022 với số tiền thuế đề nghị hoàn là hơn 27 tỉ đồng. Hồ sơ kéo dài đến nay đã gần 2 năm và trải qua nhiều lần kiểm tra, xác minh… thì đến nay đang ở tình trạng là "sắp ra kết luận".
Đáng nói, hồ sơ này chưa được thực hiện xong thì công ty cũng không thể nộp hồ sơ xin hoàn thuế GTGT cho giai đoạn từ tháng 8.2022 đến hết năm 2023 với ước tính số tiền thuế lên hơn 70 tỉ đồng. "Công ty đã mừng khi hồ sơ đang ở giai đoạn cuối và hy vọng sớm được nhận lại tiền thuế GTGT. Sau đó mới có thể tiếp tục nộp hồ sơ hoàn thuế cho giai đoạn hết năm 2023", đại diện công ty này cho biết.
Tương tự, theo ông Trương Văn Bắc, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư cao su VN, hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT năm 2021 của DN với số tiền gần 22 tỉ đồng mới đây đã được hoàn lại 14,6 tỉ đồng. Số thuế GTGT còn lại đang vẫn chờ kết luận từ cơ quan thuế. Với yêu cầu còn chờ giải quyết số thuế GTGT của năm 2021 nên hồ sơ xin hoàn thuế của năm 2022 khoảng 50 tỉ đồng của công ty chưa được tiếp nhận. Số vốn bị ách tắc quá nhiều nên từ năm 2023, công ty đã tạm dừng hoạt động kinh doanh. "Càng hoạt động thì số thuế GTGT càng phát sinh, lại bị chôn ở đó. Hơn một năm qua công ty vẫn phải "cắn răng" để trả phí, duy trì bộ phận kế toán để lo thủ tục hồ sơ hoàn thuế. Bởi dù không kinh doanh, nhưng DN không thể đóng cửa vì như thế thì lại càng không được làm thủ tục để nhận lại số thuế nói trên", ông Bắc bức xúc.
Cùng cảnh ngộ, ông Huỳnh Tấn Thống, Giám đốc Công ty CP XNK Huỳnh Hải Nam (TP.HCM), cũng lắc đầu ngán ngẩm khi nói về quá trình đề nghị hoàn thuế GTGT. Công ty ông đã nộp hồ sơ hoàn thuế GTGT cho kỳ tháng 12.2021 - 4.2022 với số tiền 7,5 tỉ đồng. Sau đó, DN này phải chờ cơ quan thuế xác minh tất cả hóa đơn, cái nào chưa xong thì loại trừ nên sau hơn 1,5 năm công ty được hoàn 6,9 tỉ đồng. Sau đó, công ty tiếp tục nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT từ giữa năm 2022 - 8.2023 với số tiền hơn 14 tỉ đồng nhưng tiếp tục "tắc".
Ông Thống nêu: Mỗi lần hỏi đến thì cán bộ thuế bảo cái này chưa đúng, cái kia chưa được và đề nghị DN sửa đổi, bổ sung. Tại sao không thông báo DN thiếu gì, bổ sung chỉ 1 hoặc 2 lần? Không được hoàn thuế, tiền vốn chôn vào đó thì lấy đâu ra DN hoạt động được. Ngành cao su làm gì có lợi nhuận 5%? Càng làm càng bị chôn vốn. Ngược lại khi hết năm, quyết toán thuế DN vẫn phải chạy đôn chạy đáo tìm đủ tiền để đóng thuế thu nhập DN. Trong khi toàn bộ mức lời nếu có của công ty đã bị chôn ở số thuế GTGT chưa được hoàn lại. Nhưng công ty phải gồng mình để duy trì hoạt động, giữ chân khách hàng cũng như chờ được nhận lại số tiền thuế GTGT đã nộp trước cho nhà nước…
Gây khó khăn cho DN
Những DN kể trên chỉ là một số ít trong vô vàn câu chuyện bị "ngâm" tiền hoàn thuế GTGT của các đơn vị ngành cao su tại TP.HCM.
Giám đốc một DN cao su tại TP.HCM khẳng định các công ty trong ngành này tại TP.HCM chưa được hoàn thuế GTGT từ năm 2021 đến nay rất nhiều, thậm chí có đơn vị bị nợ lên đến cả trăm tỉ đồng. Bất chấp thời gian qua rất nhiều đơn thư kiến nghị của DN cũng như từ Hiệp hội Cao su VN gửi đến nhiều cơ quan thuế, Tổng cục Thuế hay Bộ Tài chính, nhưng mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.
Ông Huỳnh Văn Bảo, Phó chủ tịch Hiệp hội Cao su VN, xác nhận vẫn có nhiều DN hội viên tại TP.HCM vẫn chưa được hoàn thuế với số tiền rất lớn. Hầu hết DN đều nhận được câu trả lời chung từ các cơ quan thuế là phải chờ rà soát hồ sơ cho kỹ. Nhiều DN đã tạm ngừng hoạt động vì thiếu vốn do số tiền thuế quá lớn mà chưa được hoàn lại. Bên cạnh đó còn bị nợ ngân hàng với tiền lãi hằng tháng. Đồng thời, DN càng làm thì càng không hiệu quả khi phát sinh tiền thuế GTGT, nhưng không thể đề nghị hoàn lại…
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, nhận định câu chuyện chậm hoàn thuế GTGT cho DN đã kéo dài gần 2 năm qua. Mọi quy định liên quan quy trình này đều đã có đầy đủ. Thậm chí, theo quy định của luật Quản lý thuế, DN có thể được hoàn thuế trước kiểm tra sau. Tuy vậy, dù hầu hết hồ sơ của DN đề nghị hoàn thuế đều đúng nhưng vẫn bị trì hoãn, không được thực hiện theo đúng thời gian mà luật đã quy định. Trong năm 2023, Chủ tịch Quốc hội đến Thủ tướng đã lên tiếng yêu cầu các cơ quan thuế xem xét sớm giải quyết cho DN, nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Điều này là đang gây khó khăn cho DN, hoàn toàn trái ngược với tinh thần hỗ trợ cộng đồng DN mà Chính phủ công bố.
Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh: Tất cả luật, nghị định hay thông tư hướng dẫn về việc hoàn thuế GTGT cho các DN xuất khẩu đã rõ ràng. Nếu như 99% DN bị chậm hoàn thuế, không được hoàn thuế mà đi kiện thì cơ quan thuế bị thua ngay. Đáng nói là 99% DN không dám đi kiện vì còn phải tiếp tục đối diện với hàng loạt thủ tục, hồ sơ liên quan về thuế.
"Dường như một số cơ quan thuế hiện nay không dám làm vì sợ trách nhiệm nên đã có nhiều cách trì hoãn, không nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế của DN. Câu trả lời có thể chung chung là sớm muộn gì cũng được hoãn nhưng liệu DN có còn sống nổi để chờ đến khi nhận lại được số tiền thuế của mình hay không? Vì thế, biện pháp nhanh nhất giải quyết các hồ sơ hoàn thuế hiện nay là hoàn trước cho DN, còn nghi ngờ ai thì đi kiểm tra người đó", ông Đức nhấn mạnh.
Cơ quan nhà nước không thể hiểu luật theo kiểu suy diễn và không được nghi ngờ mà phải thực hiện theo luật. Không thể 1 - 2 DN làm sai thì lại bắt hàng loạt DN khác phải chờ xác minh, kiểm tra. Đồng thời phải thực hiện theo quy định, hồ sơ hoàn thuế chậm đến đâu thì phải trả lãi cho DN đến đó mới công bằng.
Luật sư Trương Thanh Đức
Bình luận (0)